 Phong cảnh làng quê xưa (Tranh: Lệ Ba)
THƠ ĐƯỜNG LUẬT ĐỒNG THÁP - MỘT GÓC NHÌN (*)
LÊ NGỌC THẠC
Thơ Đường
luật là thể thơ truyền thống của dân tộc. Trong chế độ phong kiến, thơ Đường luật
được xem là thơ bác học, được dùng trong thi cử, tuyển chọn nhân tài, được xưng
tụng là đỉnh cao của thơ ca.
Văn học
Việt Nam đã ghi nhận những tên tuổi xuất chúng, để lại cho đời nhiều áng thơ
hay, đậm tính nhân văn như: Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Lê Thánh Tông,
Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao
Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Tản Đà, Quách Tấn…Trong
thời gian này, thơ Đường luật là dòng chủ lưu của thơ ca dân tộc.
Trải
qua những biến thiên của lịch sử, tuy có lúc thăng trầm, thậm chí có thời kỳ bị
lãng quên bởi nền văn hoá Âu - Tây tràn ngập trên đất nước ta và phong trào thơ
mới đang thịnh hành; song với khát vọng cháy bỏng của những người yêu thể thơ
bác học này, thơ Đường luật đã được phục hưng và phát triển đến bất ngờ như
ngày nay trong mạch nguồn thi ca của dân tộc. Hiện nay, trên phạm vi cả nước, Hội
thơ Đường luật Việt Nam được thành lập và đã có 75 chi hội hoạt động ở hơn 54 tỉnh,
thành với hơn 2500 hội viên chính thức.
Hòa vào
dòng chảy của thơ ca tỉnh Đồng Tháp trong thời gian qua, bên cạnh các thể loại
thơ khác thì thơ Đường luật cũng đã được quan tâm bảo tồn và phát triển. Chúng ta đã thành lập một chi hội thơ Đường
luật gần 10 năm, trực thuộc Hội thơ Đường luật Việt Nam và Hội VHNT TP. Cao
Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Số hội viên chính thức là 32 người. Bên cạnh đó, những hội
viên của CLB Thơ ca Mây Hồng (TP. Cao Lãnh), CLB Thơ Tân Thành (Lai Vung) có rất
nhiều người yêu mến và sáng tác thơ Đường luật. Ngoài ra, còn một số lượng lớn
cộng tác viên trong và ngoài tỉnh thường xuyên gửi bài. Văn phòng Chi hội đặt tại
số 04 Hoàng Văn Thụ, Phường 2, TP. Cao Lãnh, Tỉnh Đồng Tháp. Mỗi tháng sinh hoạt
định kỳ 1 lần vào ngày 16 (Âm lịch).
Các tác
giả ở Đồng Tháp phần lớn là những nhà giáo, cán bộ về hưu, cựu chiến binh, cựu
giáo chức, nông dân, người lao động bình thường... Ấn phẩm của Chi hội mang tên
Sen Đất Tháp, xuất bản 3 tháng/1số bằng nguồn kinh phí vận động và do hội viên
đóng góp.
Thơ Đường
luật vẫn còn sức sống lâu bền trong sinh hoạt văn học - nghệ thuật ở Đồng Tháp
và là niềm đam mê của nhiều người vì những lý do sau đây: 1. Những tác giả thơ
Đường luật không ngừng khám phá những tứ thơ độc đáo, diễn tả được mọi khía cạnh
của tâm hồn bằng vẻ đẹp của một kiểu tư duy thơ thiên về trí tuệ. Cái hay của
thơ Đường luật là ở tứ thơ, ở kiểu ngôn ngữ hàm súc (ý tại ngôn ngoại) và ở vẻ
đẹp của tư tưởng. 2. Thơ Đường luật đem đến cho người chơi thơ những thú vui
trí tuệ của nghệ thuật ngôn từ. Đó là cái thú của sự tài hoa vượt qua luật lệ cứng
nhắc gò bó, chật chội của thơ Đường. Đó là nghệ thuật chơi chữ mà khó có thứ
ngôn ngữ nào ngoài tiếng Việt có thể có được. 3. Nghệ thuật xướng - họa cũng là
một cái thú của thơ Đường luật. Bởi người họa phải vượt qua cái khó của thi luật,
tình, ý mà người xướng nêu ra; đồng thời
cũng phải thể hiện được nét tài hoa trong nghệ thuật và tầm vóc văn hóa tương xứng
với người xướng. Hơn thế nữa, nghệ thuật xướng - họa còn là chiếc cầu nối vun đắp
tình cảm hai tác giả và họ rất dễ trở thành đôi bạn tri âm.
Ngày
nay, cùng với xu thế chung của cả nước, thơ Đường luật ở Đồng Tháp đã và đang
được cách tân để đáp ứng những yêu cầu của nghệ thuật trong giai đoạn mới (thơ
Đường luật đương đại), thể hiện ở những phương diện sau đây: 1. Về nội dung, đề
tài mới, mang hơi thở của cuộc sống hiện đại được quan tâm nhiều hơn; đề tài cũ
như mây, gió, trăng, hoa, rượu, tư tưởng Lão Trang, hưởng nhàn... được bỏ bớt dần.
Người làm thơ luôn tìm tòi, sáng tạo những tứ thơ độc đáo, có vẻ đẹp trí tuệ, vẻ
đẹp tư tưởng. Hơi thở cuộc sống mới đã được mang vào thơ. Chính nội dung hiện
thực mới này làm cho thơ Đường luật mới mẻ, dần thoát khỏi khuôn sáo cũ. Thơ gần với đời sống hơn. 2. Về nghệ thuật,
không sử dụng điển tích, hạn chế dùng từ Hán - Việt... Tìm tòi ngôn ngữ sáng tạo,
giàu hình ảnh, tránh dùng từ ngữ đã sáo mòn... Chú ý nhiều hơn việc thể hiện cảm
xúc của tác giả đối với hiện thực hơn là miêu tả.
Đọc thơ
Đường luật ở Đồng Tháp, mặc dù có thể còn những câu chưa thật hay, nhưng quan
trọng là ở đó ta cảm nhận được tình cảm hết sức chân thành của những tác giả đối
với đất nước và con người của đất Sen hồng. Đồng Tháp được chấm phá với những
nét đặc trưng như: Tam Nông sếu múa đùa
tơ nắng/ Sa Đéc hoa cười vẫy bóng mây… (Đồng Tháp chiều thu - Trần Văn Thứ).
Niềm
vui khi chiếc cầu treo mơ ước bắc qua sông Tiền đang dần trở thành hiện thực: Tháp Mười vựa lúa nuôi dân nước/ Cao Lãnh cầu
treo nối nhịp đời… (Xuân quê hương - Hoài Thu).
Những
lũy tre xanh ven làng quê, kiên cường trong chiến đấu mà cũng đôn hậu, thủy
chung: Mưa nắng luôn gìn tươi tốt lá/ Trẻ
già vẹn giữ trắng tinh lòng…(Tre xanh Đồng Tháp - Bình Hòa Nhân).
Khu du
lịch sinh thái Gáo Giồng với những cô gái duyên dáng trong chiếc áo bà ba Nam bộ
làm say lòng du khách: Thương áo bà ba nồng
má thắm. Hồn mơ bến hẹn nặng tình vương... (Gáo Giồng điểm hẹn - Thái Nhân).
Ngoài
tình yêu quê hương đất nước thì tình yêu đôi lứa cũng được thể hiện, chia sẻ một
cách tinh tế, khéo léo trong khuôn khổ vô cùng chặt chẽ của niêm luật: Từng đêm gió tạt từng đêm quạnh/ Mỗi phiến
mưa rơi mỗi phiến sầu…(Hồi tưởng - Thạch Thảo); Thương vầng trăng vỡ hồn xao xuyến/ Dõi bóng thu bay dạ ngỡ ngàng…(Thu
mơ - Nguyễn Thị Điệp); Bến hẹn đã chia bờ cách trở/ Niềm thương đành gởi giấc
cô liêu…(Chối từ - Thủy Triều); Xót xa kỷ niệm tình ly cách/ Chếnh choáng hoàng
hôn nỗi đoạn trường…(Tơ lòng - Thiên Thanh Nguyên); Trăng khuya phố vắng mờ
nhân ảnh/ Sương giá đèn vàng nhạt ánh sao/ Một thoáng miên man người có nhớ/ Mấy
đông mà ngỡ mới hôm nào! (Nửa nụ hôn đầu - Thành Nhân)...
Phong
trào sáng tác thơ Đường luật ở tỉnh Đồng Tháp trong những năm qua khá đa dạng
và phong phú, thể hiện qua số lượng phát hành tập Sen Đất Tháp (20 số) và thơ
giao lưu với các tỉnh bạn... Rất nhiều thơ Đường luật và bài viết trong các số
Sen Đất Tháp được chọn và giới thiệu trên trang web Thơ Đường đất Việt của Hội
thơ Đường luật Việt Nam. Nhiều tác giả được chọn và giới thiêu trong tập Thơ Đường
luật Việt Nam xuất bản hàng năm.
Có những
hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam hay Hội LHVHNT Đồng Tháp, bên cạnh việc sáng
tác thơ mới, vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho những thể thơ truyền thống,
trong đó có thơ Đường luật. Ta có thể gặp một số bài hay như:
MƯA
Nước thoắt về rồi nước thoắt qua
Mưa gieo Tam Đảo chuyện Ta bà
Mênh mông màu hẹn nơi triền vắng
Rào rạt tiếng chờ chốn thác xa
Cổng mở cửa trời ai muốn đến
Đường cài khe núi kẻ mong ra
Mưa theo kỷ niệm người thương xứ
Thấm hết buồn vui nỗi vắng nhà. (Thai Sắc)
PHÍM
LÒNG
Đằng đẳng mười năm gió gửi hương
Chúng mình thôi đã tóc pha sương
Mắt nai lỡ nhuốm màu quan tái
Chân sẻ lầm đeo cuộc hí trường
Mối nợ có trong ngàn mộng tưởng
Làn duyên còn lại mấy tơ vương
Em ơi! Cung bậc nào không tím
Trở gót đau từng phím nhớ thương. (Khắc Chu)
Có thể
nói Thơ Đường luật ở Đồng Tháp đã và đang đóng góp những vần thơ đẹp, đáng yêu
vào dòng chảy chung của các thể thơ Việt Nam hôm nay, làm phong phú thêm cho
khu vườn thơ ca của tỉnh nhà, rất xứng đáng được tôn trọng, quan tâm và ủng hộ.
Để bảo tồn và phát huy những nét đẹp và giá trị của các thể thơ truyền thống
này; bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi hoạt động cho các Câu lạc bộ thơ quần
chúng, nên chăng trên tờ Văn nghệ Đồng Tháp thường xuyên dành một trang (hoặc một
góc thơ Đường luật) để giới thiệu những sáng tác hay của thể loại này.
Tuy
nhiên, bên cạnh những những vần thơ hay, thơ Đường luật ở Đồng Tháp vẫn còn khá
nhiều bài mộc mạc, chân chất… chưa đáp ứng được những yêu cầu về nghệ thuật của
thơ ca đương đại. Điều này cũng dễ hiểu, vì phần lớn tác giả là những cây bút
nghiệp dư. Do vậy, rất cần sự giúp đỡ, góp ý của ngành chuyên môn (Hội LHVHNT tỉnh).
Việc hỗ trợ ấy có thể thông qua các hình thức như: cung cấp tài liệu; trực tiếp
dự các buổi sinh hoạt với câu lạc bộ; cử hội viên đi dự các lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng sáng tác thơ (nếu
có)…
Để kết
thúc bài viết này, xin nêu một nhận định của PGS. TS. Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch
Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học - nghệ thuật trung ương trong ngày hội thơ Đường
toàn quốc lần thứ VIII - 2014, tại Thanh Hoá: Thơ Đường luật Việt Nam tiếp nối
từ dòng chảy thi ca truyền thống dân tộc. Nhiều tác phẩm thơ Đường đã chứa đựng
tình yêu thương con người, vợ chồng, gia đình, làng xóm, cộng đồng, cao hơn cả
là tình yêu Tổ quốc, nhất là những bài thơ viết về Hoàng Sa, Trường Sa luôn
dâng trào cảm xúc cao cả cùng với trách nhiệm thiêng liêng của toàn quân và
toàn dân quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Từ những
nhận định và đánh giá trên, chúng ta tin tưởng rằng nét đẹp lung linh, đặc
trưng của các thể thơ truyền thống, trong đó có thơ Đường luật sẽ được bảo tồn
và phát huy trong phạm vi cả nước nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng.
L.N.T
(*) Tác phẩm tham dự Cuộc Vận động
sáng tác tác phẩm LLPB lần thứ II năm 2015 do Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp
tổ chức.
|