|
Truyện ngắn: Trần Thị
Thanh Trúc
Suốt chín tháng dài học mệt mỏi, hè nào cũng vậy, ba tôi
đều cho tôi về quê thăm ngoại, một làng quê thanh bình êm ả, giản dị nhưng chứa
đầy tình thân gia đình. Ngoại tôi năm nay đã già lắm rồi, hồi lúc ông còn sống,
mỗi lần tôi về chơi ông đều dẫn tôi ra ruộng xem ông bắt chuột. vào mùa gặt lúa
người dân quê thường rủ nhau đi bắt chuột, có người gọi là dí cù. Vui ơi là
vui…. Ngồi vắt vẻo trên vai ông thật thích, Hồi ấy tôi chỉ lên mười nhưng những
kỷ niệm đẹp vẫn sống mãi trong tôi đến tận bây giờ. Nhưng có lẻ tuổi thơ nào
cũng có những kỷ niệm vui và buồn và có lẫn cả nước mắt. Lần nước mắt này đã
dội sạch tâm hồn non trẻ của tôi để tôi có thể lớn hơn và biết trân trọng giá
trị cuộc sống hơn.
Một buổi sáng bình minh thật đẹp, những chú chim non
đua nhau hót trên cành, giọt sương lung linh còn đu mình trên vòm lá. Chào ngày mới, tôi mở toang cửa
sổ, đưa đôi mắt ngây thơ ra ngoài nhìn, miệng thì la lớn “A! Sáng rồi! Một con
nhóc lên mười vô tư, nét thơ ngây chưa biết buồn, hồn nhiên như cánh bướm trắng
trong khu vườn lộng gió. Những cảnh tượng như mơ đập vào mắt tôi choáng ngợp.
Bỗng từ đâu đưa lại một mùi hương thật lạ, tôi đảo mắt nhìn quanh, đi thật
nhanh vòng qua một lượt khắp nhà nhưng tìm hoài không thấy đâu cả, tôi cảm thấy
tò mò, tính hiếu kỳ như đang khiêu khích, tâm trạng tôi lúc đó như đang chuyển
sang một thái cực khác, bực dọc buồn bã nhưng thật là đáng ghét cái mùi gì thế
này sao nó cứ lảng vảng quanh mình hoài, đáng ghét quá đi.
Nắng đã lên cao, cái mùi hương ấy đã dịu đi và cũng
phần nào làm dịu bớt tâm trạng tò mò của tôi. Từ sáng cho tới bây giờ lòng tôi
cứ bồn chồn làm sao ấy, một cảm giác thật lạ….! Ăn cơm sáng xong tôi la cà hàng
xóm đi tìm mấy chú nhóc bằng tuổi, bọn tôi rủ nhau đi hái lá dừa thắt cào cào
chơi trông thật ngộ. Tuổi thơ là vậy, hồn nhiên vô tư như tờ giấy trắng hết ăn
ngủ rồi lại chơi. Tôi thích nhất là ngày hè vì không ai bắt học bài, trả bài,
không bị cô giáo mắng khi chưa làm bài tập, chỉ việc chơi và vui thôi.
Mới đó mà đã gần 3 giờ chiều rồi – “về thôi” – tôi nói
với mấy đứa nó, không về là ông ngoại cho ăn đòn đau lắm nha! Vừa nói vừa cùng
nhau ù chạy. “May quá ngoại đi khỏi rồi!” Miệng cười khoái chí, tung tăng tôi
bước vội vào nhà. Lúc nhỏ tôi chỉ sợ mỗi ông ngoại thôi. Ông tôi thường la tôi, ông có cái roi nhỏ xíu, cái roi đó mà đánh xuống mông một cái chắc là chết! hic….hic...
Nghĩ đến đó tôi rợn cả tóc gáy. Bây giờ đã lớn rồi nhớ lại còn thấy ơn ớn.
Tôi chạy thật nhanh xuống cầu bến, chưa bước xuống tôi
lại ngửi thấy cái mùi ấy, sao nó cứ bay qua bay lại trên mũi tôi hoài không
biết, tức chết đi được. Tôi cảm thấy bực. Lần này, nhất định tôi sẽ tìm bằng
được nó. Vòng qua mái hiên “A đây rồi, cây bưởi nó ra hoa, ngộ lắm”. Từng chùm,
từng chùm trắng muốt trông đẹp lắm. Hương thơm thoang thoảng lúc thì xộc lên
mũi lúc thù dìu dịu lan xa. Một thứ mùi mà tôi chưa từng ngửi thấy bao giờ.
Đúng rồi tôi sống ở thành phố từ lúc chưa chào đời, mà thành phố làm gì có đất
trống mấy loại cây này, chỉ toàn có nhà là nhà. Sự khoái chí, thích thú lâng
lâng thật là sướng, giống như vừa tìm thấy vật báu vậy, vui phải biết.
Hoa bưởi mọc thành chùm, cánh con màu trắng tinh khôi
mới đẹp làm sao. Cái tuổi lên mười hiếu động, có lẽ tuổi thơ nào cũng vậy ai cũng
đã từng thử qua các trò banh đũa, cất
nhà chòi, bán hàng giả….và còn một trò và chắc hẳn đứa bé gái nào cũng đã từng
chơi là giả làm cô dâu. Thật vậy, chính vẻ đẹp mỹ miều giản dị pha lẫn chút
hương, tôi nghĩ “ Hay là mình hái nó cài lên tóc làm cô dâu chắc là đẹp lắm”.
Suy nghĩ vừa hé lên trong đầu chưa kịp phát ra khỏi miệng thì tôi đã đưa tay bẻ
vội mấy chùm cho cả vào túi chạy thật nhanh sang rủ nhỏ Lan chơi cùng mới được.
Tôi mãi chơi nên quên bén cả giờ về ăn cơm, bà ngoại
đi tìm và kêu tôi về nhà, nhưng thật là không thấy ông đâu cả. Thường ngày ông
luôn là người ngồi vào bàn ăn trước hết vì ông luôn luôn đúng giờ “Hôm nay ông
đi đâu rồi?”. Tôi đưa mắt nhìn quanh một lượt cũng không thấy. Tôi ngồi vào bàn
“ông đâu hả bà ngoại, sao ông không ăn cơm?” Bà tôi chỉ thở dài “Con ăn đi ông
con không ăn đâu” “Ông ăn rồi hả ngoại?” Tôi vội hỏi. “Không! Bữa nay ông con buồn
nên không ăn cơm. Thôi bà cháu mình ăn đi”. Tôi cười “hay ông chưa đói! Con
chừa cho ông con cá này đến tối ông đói ông ăn hé ngoại”. Ngoại cười nhạt, vờ
đi “Ăn đi con”.
Trời đã chạng vạng tối nhưng tôi vẫn chưa thấy ông đâu
cả, tôi chạy vòng quanh khắp nhà gọi “Ông ơi, ông…” Tôi chựng lại “Ơ! Sao ông
ngồi đây ạ, vào ăn cơm đi ông, trời lạnh và có nhiều muỗi lắm”. Nhưng ông không
nghe lời tôi nói mà chỉ thở dài, tay cầm điếu thuốc rê ngun ngút khói, tôi chạy
lại ngồi cạnh ông: “Ông…” Tôi vừa mở miệng thì ông nói “Thôi rồi! Còn đâu cây
bưởi nữa, ai mà phá kiểu này không biết, bưởi đầu mùa mà hái trụi sạch bông thì
còn gì cây bưởi nữa”. Tôi sợ quá tái mặt đi, ông nói tiếp: “Khó khăn lắm ông Ba
con mới mang nó về đây được”. Tôi đưa mắt nhìn ông và nghĩ thầm “Gì chứ! Cái thứ
này ngoài trại cây giống bán đầy, có bao nhiêu tiền đâu, chết cây này thì trồng
lại cây khác có gì đâu. “Ông rõ khổ”. Nhưng dường như bắt được suy nghĩ của
tôi, ông thở dài thườn thượt: “Ngày ấy đường xá có được như bây giờ đâu, toàn
là hầm hố lầy lội, hồi Đồng Tháp Mười được ví von “muỗi bay như sáo thổi, đĩa
lội tựa bánh canh”. Nước độc phèn chua vậy mà ông Ba cháu mang nó về đây cho
ông đó. Vốn là vào mùa nước lũ, ông Ba ở đậu trên miếng đất của người ta, ngày
bà Ba mất có dặn “Nếu mai này tôi có mất đi ông nhớ trồng quanh nhà cây bưởi,
tôi biết ông thích ăn bưởi, ngày nào đi chợ tôi cũng mua nó cho ông. Bây giờ
tôi đang bệnh không biết đi ngày nào, thôi thì ông trồng bưởi nhìn thấy nó coi
như tôi vẫn còn bên ông”. Chỉ mới đó thôi mà vài hôm sau bà Ba mất. Ông Ba đã
trồng nó như lời bà Ba dặn, nhưng mới trồng có vài bữa cơn lũ kinh hoàng năm
2000 đã kéo tới, hung dữ, tàn bạo cướp sạch
tất cả nhà cửa ruộng vườn. Ông Ba lặn lội mang tài sản quý giá là nhánh bưởi ra
đây trồng. Vì thương vợ, đau lòng cảnh không nhà không cửa ông Ba mắc bệnh nặng
cũng qua đời vài tháng sau đó. Theo lời dặn của ông, ngoại đem trồng cây bưởi
này đã được ba năm, hai nấm mộ ngoài đó và kỷ vật của vợ chồng họ vẫn ở lại đây
cùng ông”.
Ông Cố con chỉ có hai người con trai là ông và ông Ba
con, hai anh em cùng nhau lo lắng, chăm sóc nương tựa nhau sống vì ông Cố con
mất sớm. Vậy mà ông Ba con cũng mất. Ông mong mỏi từng ngày, từng giờ cho cây
bưởi ra hoa, kết quả, ông sẽ hái những trái bưởi đầu tiên cúng ông Ba con, nói đến
đây tôi thấy mắt ông đỏ hoe. Mười tuổi lần đầu tiên tôi cảm nhận được nổi đau
sâu sắc, không bị ai đánh nhưng tôi cũng cảm thấy đau, một nỗi đau vô tận. Nước
mắt giàn giụa, tôi ôm chầm lấy ông ngoại, nghẹn ngào: “Ông ơi, cháu xin lỗi,
cháu vô ý không biết đó là kỷ vật mà ông Ba để lại cho ông, cháu không biết? Lúc
nảy về cháu thấy hoa đẹp lại có mùi thơm nên đã lỡ hái mang đi chơi rồi ông ơi!
Cháu xin lỗi ông”. Tôi ôm chầm lấy ông, khóc sướt mướt, ông ôm đầu tôi: “Nín
đi, nín đi cháu, ông không đánh con đâu…. ngoan ngoan”. Hai bàn tay ông nhăn
nheo nhưng tại sao tôi lại cảm thấy mềm mại ấm áp lạ thường, chưa bao giờ tôi
thấy yêu ông như lúc này và tôi không còn sợ ông như trước kia nữa mà bây giờ
tôi thấy ông là một người ông gần gũi dễ mến vô cùng. Ông nói “Rồi cây bưởi
cũng sẽ lại ra hoa, con à. Tuy hơi buồn nhưng ông lại cảm thấy vui vì cháu ông
biết nhận lỗi, biết hối hận, đó là một đức tính cần có ở đời, có như vậy mới
sống tốt và trưởng thành, cháu ạ”. Ông đặt tôi ngồi vào lòng ông, một cảm giác
yêu thương tràn ngập trong tôi. Lúc trước chưa bao giờ tôi dám lại gần ông dù
chỉ cách vài bước. Tôi cứ nghĩ ông khó tính lắm và không thích trẻ con đâu.
Nhưng có lẽ tình cảm con người không chỉ thấy được từ
vẻ bề ngoài mà phải cảm nhận từ trái tim đến trái tim.
Bây giờ tôi đã 20 tuổi, câu chuyện cách nay đã 10 năm
tròn nhưng những hình ảnh ấy vẫn sống động trong tôi, từng ngày, trong từng suy
nghĩ của tôi, dường như kỷ niệm xưa hiện về càng rõ dần khi mỗi lần về thăm ông
tôi lại ngửi thấy mùi hương hoa bưởi. “Hương bưởi” – cái mùi gần gũi ấm áp cũng
như tình cảm mà ông tôi dành cho ông Ba và tình cảm tôi dảnh cho ông ngoại.
Tình cảm gia đình luôn là cái nôi của hạnh phúc, gia đình luôn là nơi bình yên
nhất bảo vệ chúng ta vững tin bước qua những cơn bão cuộc đời.
|
|