|
Cách
đây 65 năm, ngày 20-7-1954, Hiệp định Genève lập lại hòa bình ở Đông Dương đã
được ký kết. Theo thỏa thuận giữa các bên: nước Việt Nam tạm thời chia thành hai miền, sau hai năm sẽ có tổng tuyển cử tự do để thống
nhất đất nước. Là những người ra đi tập kết năm xưa, tất cả chúng tôi đều thấm
thía từ trong trái tim nỗi đau của cảnh chia ly giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ
và chồng, giữa người yêu với người yêu, chia ly những đồng bào đồng chí từng đồng
cam cộng khổ suốt 9 năm dài kháng chiến chống Pháp, một cuộc chia ly để rồi tiến
tới thống nhất đất nước bằng một con đường mà những người ra đi cũng như những
người ở lại đều không dễ thông suốt, kể cả người chỉ huy cao nhất của cuộc chuyển
quân tập kết tại Cao Lãnh năm xưa là đồng chí Trần Văn Trà.
Ông rất có lý
khi thắc mắc tại sao lại họp bàn và ký kết Hiệp định Genève với những điều khoản
như thế. Thế nhưng sau này, khi tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến việc ký
kết Hiệp định Genève năm 1954 trong quyển “Lịch sử Nam bộ kháng chiến” do cố Thủ
tướng Võ Văn Kiệt làm Chủ tịch Hội đồng chỉ
đạo biên soạn, tôi lại biết
thêm một sự thật lịch sử mà suy cho cùng chắc khó có thể làm khác hơn trong
hoàn cảnh lịch sử thời bấy giờ: “Sau cuộc
đụng đầu Trung - Mỹ ở Triều Tiên, hai nước Liên Xô - Trung Quốc (là 2 nước đứng
đầu phe xã hội chủ nghĩa) đã lựa chọn chính sách cùng tồn tại hòa bình, thi đua
kinh tế hòa bình, làm dịu tình hình quốc tế và đều không muốn Đông Dương trở
thành một Triều Tiên mới để bị lôi cuốn vào một cuộc đối đầu với Mỹ. Cuối cùng, với xu thế chung của những nước
lớn trong tình hình quốc tế lúc đó, sau tám phiên họp toàn thể và hai mươi ba
phiên họp riêng đầy căng thẳng, các bên đã đồng ý về những nội dung cơ bản như
sau: Các nước tham gia Hội nghị Genève cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và
toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Cao Miên, không can thiệp vào nội bộ của
các nước này; ngừng bắn trên toàn bộ chiến trường Đông Dương; Pháp rút quân; vĩ
tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết quân
đội; sau hai năm sẽ có tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thống nhất nước Việt
Nam”.
Khi
bước chân ra đi tập kết, chúng tôi vẫn mang theo niềm tin và hy vọng giống như
tư lệnh Phân Liên khu Trần Văn Trà đã nói trong đoạn cuối: “Ta sẽ gặp lại, sum vầy sau hai năm tổng tuyển
cử. Gần chín năm trời xa nhà đi chiến đấu còn được, hai năm đâu có sá gì!”. Nhưng mặt khác lại băn khoăn lo lắng cho số phận những
đồng bào hiện đang sinh sống tự do trong vùng giải phóng rộng lớn từ miền Đông
đến miền Tây, những người luôn sống chết với kháng chiến, những người từng cưu
mang đùm bọc chúng tôi, kể cả những bà con anh em cô bác họ hàng trong gia
đình, tất cả rồi sẽ phải trở lại sống dưới nanh vuốt của kẻ thù. Rồi đây chuyện
bắt bớ, trả thù những người từng tham gia kháng chiến, kể cả những người từng ủng
hộ kháng chiến, là điều không thể tránh. Bên cạnh đó chúng sẽ tăng cường lực lượng
quân sự, chính trị để củng cố vị thế của chúng ở miền Nam bằng cách o ép bắt buộc
bà con, rồi sau đó là lớp con cháu phải chấp nhận đứng vào hàng ngũ của chúng để
chống lại cuộc đấu tranh giành độc lập tự do và thống nhất đất nước mà toàn thể
dân tộc đã phải đổ ra biết bao xương máu để giành lấy. Còn chuyện tổng tuyển cử,
mọi người đều cho rằng nếu có tổng tuyển cử tự do thì không chỉ đồng bào miền Bắc
mà đại đa số nhân dân miền Nam cũng sẽ bỏ phiếu cho Bác Hồ, bởi vì từ Bắc chí
Nam ai cũng biết Bác là một chiến sĩ cách mạng, từng bao nhiêu năm bôn ba nước
ngoài tìm đường cứu nước, và sau khi trở về đã lãnh đạo toàn dân đứng lên làm
cuộc cách mạng tháng Tám thành công, nước nhà được độc lập; rồi tiếp sau đó lại
lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp suốt chín năm dài. Còn Bảo Đại
thì rõ ràng chỉ là một bù nhìn tay sai của thực dân Pháp, chắc chắn không thể
giành được phần thắng, bởi thế cho nên dễ gì chỉ dùng đấu tranh chính trị mà có
thể buộc họ phải chấp nhận tiến hành cuộc tổng tuyển cử tự do trong cả nước?
Gần 1 năm sau, ngày 16-7-1955, Ngô Đình
Diệm lập lại gần như nguyên văn tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng: “Chúng tôi
không ký HĐ Genève. Bất cứ phương diện nào chúng tôi không bị ràng buộc bởi HĐ
này”. Cho dù có những
vướng mắc như thế nhưng chúng tôi vẫn vững một niềm tin: tin rằng một khi kẻ địch
rắp tâm đi ngược lại ý nguyện giành độc lập tự do và thống nhất đất nước của
toàn dân, giở trò lật lọng, chống lại Tổng tuyển cử, thì nhất định đồng bào và
những người kháng chiến còn ở lại sẽ đoàn kết và nổi dậy đấu tranh. Và ngày ấy,
cho dù chúng có lập một ngàn rào chắn bằng xe tăng thiết giáp và lớp lớp quân đội
nơi giới tuyến, chúng tôi cũng sẽ theo tiếng gọi thiêng liêng của đồng bào, đồng
chí miền Nam, của Tổ quốc, sẵn sàng đạp lên sắt thép mà trở về cùng nhân dân miền
Nam kề vai sát cánh chiến đấu chống quân thù. Hơn thế nữa, bên cạnh ta còn có
nước Lào anh em nằm dọc dãy Trường Sơn, và một Campuchia cũng là anh em đang nằm
sát nách, kẻ địch nào có thể lập được một phòng tuyến dài cả ngàn cây số để bịt
suốt cả đường biên? Mà lúc đó chúng tôi đâu chỉ còn là những đơn vị đầu trần
chân đất! Và suốt chiều dài 21 năm trường chinh ấy chúng tôi đã giữ vững lời thề
son sắt với quê hương, ra sức rèn luyện học tập, có những người trong số anh em tập kết chúng tôi đã tự nguyện trở về sát cánh cùng đồng bào chiến sĩ
miền Nam tham gia chiến đấu, có những người ở lại miền Bắc công tác và chiến đấu
để bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương lớn của cả nước, mà điển hình cần
kể ra ở đây là anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy, khi đi tập kết chưa học hết lớp
ba, người làm rạng danh cho cho cả nước, trong đó có quê hương Đồng Tháp chúng
ta với thành tích chiến đấu một mình bắn rơi 7 máy bay hiện đại của Mỹ, khiến
quân thù phải nể phục; và cũng có biết bao nhiêu đồng chí đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng
đất mẹ để có "Khúc
khải hoàn ca trong thế kỷ XX",
giải phóng hoàn toàn miền Nam vào ngày 30-4-1975.
Bên cạnh những người ra đi tập kết như
chúng tôi là những đồng chí đồng bào đã tự nguyện ở lại miền Nam tham gia kháng
chiến chống Mỹ mà những hy sinh gian khổ, những công lao đóng góp của họ cho sự
nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là vô bờ bến.
Chỉ riêng tại tỉnh nhà
Long Châu Sa, ngày 05-9-1954, quân số tập kết theo quy định của trên là 3.200
người. Nhưng đến ngày 08-9-1954, do có nhiều người tình nguyện ở lại nên số lượng
tập kết bị giảm còn 2.555 người. Tức số người tình nguyện ở lại là 645 người.
(Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp, tập III, tr. 12)
Trong những ngày tháng
trở về quê hương Đồng Tháp, nơi bộ đội
ta từng tập kết trước khi ra miền Bắc, tôi đã có dịp gặp lại rất nhiều người
trong số đó, được nghe những câu chuyện họ kể, tuy không phải tất cả đều là những
tấm gương điển hình xuất sắc phi thường, thế nhưng vẫn khiến tôi thật sự xúc
động và khâm phục. Với tất cả lòng
biết ơn, tôi xin trân trọng nghiêng mình trước những cống hiến
to lớn của những người ở lại, một lực lượng đi đầu đã có những đóng góp quyết
định cho thành công của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước mà đại diện là một số nhà
lãnh lạo kiên trung của tỉnh nhà có thể kể ra như các đồng chí: Nguyễn Văn Phối
(Hai Phối), Trần Anh Điền (Tám Bé), Nguyến thế Hữu (Tư Hữu), Nguyễn Xuân Trường
(Mười Nhẹ), Võ Hồng Nhân (Tám Hồng Nhân), Lê Thị Huệ (Năm Vạn) và nhiều đồng
chí khác nữa. Và cuối cùng không thể không ghi công sự chi viện to lớn và chí
tình của nhân dân miền Bắc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống
nhất đất nước.
Nhưng đâu có cuộc chiến
nào chỉ
có chiến thắng vẹn toàn mà không có đau
thương mất mát! Cũng có những mất mát có khi
không
nói ra được thành lời, chỉ
nhìn nhau và cảm nhận
được. Đó là do hoàn
cảnh, thậm chí là nghịch cảnh, để rồi ngay trong gia quyến mà "kẻ vọng Bắc người hướng
Nam", ngay trong một gia đình
mà
"người bên này, người ở phía bên kia chiến tuyến". Ngày đoàn viên không chỉ
có nụ cười, mà có
cả
những giọt nước mắt, những cái nhìn e dè, những nội tâm bị
giằng xé...mà hậu quả của nó sẽ còn kéo dài không chỉ trong một
thế hệ…Nhưng
rồi, niềm vui chung của dân tộc đã xóa dần khoảng cách, để lòng người kết nối với
lòng người, tình thân kết nối tình thân như ngày hôm nay.
Nhân những giờ phút có ý
nghĩa này, một
lần nữa tôi xin được thay mặt những cán bộ chiến sĩ tập kết năm xưa tỏ lòng biết
ơn đối với đồng bào đồng chí tỉnh nhà đã long trọng tổ chức ngày kỷ niệm đáng
ghi nhớ ngày hôm nay. Nhân dịp này tôi cũng muốn gởi đôi lời nhắn nhủ đến các bạn
trẻ: Thế hệ từng đi tập kết, từng chiến đấu giành lại độc lập tự do và thống nhất
đất nước năm xưa đến nay cũng chẳng còn lại được bao nhiêu người, và nếu còn
thì đều trở thành “lớp người xưa nay hiếm”, trí tuệ và kinh nghiệm có thể còn,
nhưng sức lực thì hầu như đã cạn kiệt; trong khi trách nhiệm bảo vệ và xây dựng
Tổ quốc luôn được đặt ra và mãi mãi là một yêu cầu cấp thiết đối với sự tồn tại
và phát triển của bất cứ quốc gia nào, nhất là đối với một đất nước đang ở vào
vị trí địa chính trị trọng yếu như chúng ta: bờ cõi vẫn chưa yên, chủ quyền
lãnh thổ luôn bị đe dọa, và nguy cơ tụt hậu trước sự phát triễn như vũ bão về
khoa học và công nghệ thế giới luôn treo lơ lửng trước mắt. Điều đó yêu cầu tất
cả chúng ta, nhất là thế hệ trẻ phải luôn cầm chắc tay súng và phấn đấu học tập
tiến bộ không ngừng để làm tròn sứ mệnh lịch sử của thế hệ mình như các thế hệ
đi trước đã từng đảm đương một cách thành công. Xin trân trọng cám ơn!
Nguyễn Long Trảo
|
|