Tuyển tập văn học Đồng Tháp thế kỷ XX là một công trình lớn,
đáng tự hào và vô cùng quý giá. Sách đã đưa ta sống lại từng giai đoạn cách
mạng, hiểu thêm lịch sử tỉnh nhà 100 năm qua, khiến lòng ta càng yêu hơn từng
tấc đất quê nhà, từng góc phố thân thương, từng bờ tre con rạch, đồng thời thấy
có trách nhiệm về việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa (trong đó có văn
học nghệ thuật).
Sách
phát hành năm 2002, nhưng giờ tôi mới phát hiện và đọc được. Tôi cho rằng phải
có cái duyênmới có cái kỳ ngộ. Vả lại, văn học thì
không có tuổi. Đọc bây giờ hay đọc cách nay 9 năm có lẽ cũng cảm nhận như thế
chăng?
Ấn
tượng đầu tiên: quyển sách thật đồ sộ và sang trọng. Không chỉ đồ sộ về số
trang (1.184 trang, khổ 16 x 24cm), quyển sách còn đồ sộ với trên 200 tác giả
trong tỉnh và một số tác giả ngoài tỉnh có bài viết về Đồng Tháp. Sang trọng vì
được in bằng giấy couché, bìa cứng.
Theo
giới thiệu đầu trang: Ban Cố vấn gồm
các văn cây bút lão thành: Sơn Nam, Nguyễn Đắc Hiền, Lý Thuận Khanh; Ban Sưu
tầm, tuyển chọn gồm các tác giả: Huỳnh Công Trường, Thu Nguyệt, Đinh Thành Nam,
Thai Sắc, Vân Sinh; Bìa: họa sĩ Nguyễn Việt Hải; Trình bày: họa sĩ Dương Quản
Đại.
Xét
ở phương diên thời gian và số lượng tác giả, tác phẩm, sách bố cục như sau:
1. Từ 1900 đến 1954: gồm 29 tác giả, trong đó có những bậc tiền bối đầu thế kỷ XX như Lãng Ba, Nguyễn Quang Diêu, Võ Hoành, Lê
Văn Chánh, Trà Giang Thôn Lão, Huỳnh Kim Ngưu, Lê Văn Oanh, Lan Đình Phan Văn
Thiết, Nguyễn Văn Vẹn, Đỗ Văn Y…
2. Từ 1954 đến 1975: gồm 65 tác giả, trong đó có nhiều cây bút
nổi tiếng như Anh Đức, Diệp Minh Tuyền, Hưởng Triều, Nguyễn Đức Mậu, Giang Nam,
Viễn Phương, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Thanh Thảo, Lê Anh Xuân… (ngoài
tỉnh); Thanh Nha, Hữu Đạo (bút danh Đồng Tháp), Công Đoàn, Nguyễn Đắc Hiền,
Thanh Tùng… (trong tỉnh).
3. Từ 1975 đến 2000: gồm 153 tác giả, trong đó có những cây
bút từ trong cứ ra như: Lý Thuận Khanh, Nguyễn Đắc Hiền, Huỳnh Công Toại (bút
danh Công Đoàn), An Biên, Nguyễn Nam, Huỳnh Công Trường (Nguyễn Huỳnh Hiếu)…;
những cây bút trước 1975 như Hạc Thành Hoa, Phạm Nguyễn Ý Tuyên...; những cây
bút trẻ sau 1975 như: Thu Nguyệt, Trần Thị Hoàng Anh, Trần Quốc Toàn, Thai Sắc,
Hữu Nhân, Vân Sinh, Đỗ Ký, Lê Minh Hùng, Đinh Thành Nam, Trọng Quý, Đặng Ca
Việt, Nguyễn Hữu Hiếu, Nguyễn Sơn, Nguyễn Bình Yên, Thanh Dũng, Trần Minh Tạo,
Phạm Thị Toán, Bạch Phần, Trọng Quế, Trần Tấn Thảo, Tô Quốc Tuấn, …; những cây
bút ngoài tỉnh nổi tiếng như: Tố Hữu, Xuân Diệu, Lê Đức Thọ, Trần Bạch Đằng,
Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy, Lê Giang, Bùi Giáng, Trần Mạnh Hảo,
Bế Kiến Quốc, Mai Văn Tạo, Trần Kim Trắc, Trịnh Bửu Hoài,…
Tôi
hiểu, thực hiện được công trình này phải nói là khó khăn lắm về nhiều mặt: thu
thập tư liệu, kinh phí… Một trăm năm qua, đó là sự vận động không ngừng của
cuộc sống, của vùng đất Nam bộ tuy không phải là những bước chân đầu tiên khai
phá nhưng vẫn còn hoang vắng, đặc biệt là trong tình hình vùng Cao Lãnh - Sa
Đéc nằm trong một giai đoạn lịch sử nhiều biến động: Chúa Nguyễn Ánh đã chọn
vùng nầy để ẩn náu trước sự truy đuổi của Nhà Tây Sơn trong thời gian dài. Đây
còn là một vùng đất nổi tiếng về những sự tích anh hùng chống ngoại xâm như
Thống Linh, Thống Bình, Thống Chiếu, như Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều, nổi
tiếng về những bậc tiền bối cách mạng như: Phó Bảng Nguyễn Sinh Huy, Huấn
Quyền, Võ Hoành... Cao Lãnh cũng là nơi lưu dấu ông Tôn Dật Tiên - nhà cách
mạng tiền bối Trung Hoa (năm 1900), Kỳ Ngoại hầu Cường Để (1912), ông Gilbert
Chiếu (1901), ông Cử Nguyễn Bá Trác đến vận động cho phong trào Đồng Minh hội,
hay như Cụ Phan Bội Châu đến vận động phong trào Đông Du và nhiều người con Cao
Lãnh đã lên đường sang Nhật Đông Du như các ông Lưu Quang Bật, Phạm Nhơn Thuần,
Lê Văn Mỹ, Lê Chánh Đáng, Lê Văn Sao, Nguyễn Văn Khỏe, Nguyễn Văn Hảo, Hà Văn
Hiển, Nguyễn Tồn Nhơn, Nguyễn Quang Diêu, Đinh Quang Tích... làm rạng danh nơi
đây. (Theo Trần Quang Hạo - Cao Lãnh đến 1954).
Đây
là những cảm nhận đầu tiên của Nguyễn Hiến Lê khi lần đầu tiên đến Cao Lãnh
(khoảng năm 1932) trong hồi ký Bảy
ngày trong Đồng Tháp Mười của
ông:
"Bảy giờ tối, tàu ghé bến Cao Lãnh. Trên chợ, đèn sáng trưng,
người đi lại tấp nập. Rõ là một quận phồn vinh.
Miền này nổi tiếng nhất Nam Việt.
Đất cát phì nhiêu, cây trái đủ loại. Những cây mận trắng xóa hoặc đỏ ối trên
mặt nước, những vườn cam quýt hàng trăm gốc chi chít quả vàng.
Văn học rất phát đạt, giàu hay nghèo, nhà nào cũng trọng sự học. Xưa có nhiều ông đồ hay chữ thì
nay hạng cử nhân, kỹ sư không phải là hiếm.
Con gái thì trắng trẻo, thanh tú, hầu hết đều biết chữ và giỏi nữ
công, dù nghèo cũng biết thêu thùa và làm bánh."
Còn
báo chí? Sa Đéc thời xưa đã có báo Tân
Tiến. Còn Cao Lãnh có vị luật
sư kiêm nhà báo, kiêm chủ bút Diệp Văn
Kỳ (ông
sống tại Cao Lãnh quê vợ, vợ
ông là con gái ông Lê Quang Hiển).
Ông lần lượt là chủ bút tờ Đông
Pháp thời báo (1927), rồi báo Thần Chung (1929), và cũng lần lượt bị Pháp đóng
cửa và bị bắt vì tờ báo chống Pháp.
Nói
dài dòng như thế để chứng minh rằng Đồng Tháp là một trong những cái nôi văn
học của vùng đất phương Nam, như trong Lời
nói đầu của sách, suốt chiều
dài thế kỷ, thiên nhiên và con người Đồng Tháp không ngừng vận động để vươn
lên. Những vui buồn, sướng khổ, ước ao, hy vọng, tin tưởng… chính là chất men,
là nguồn cảm hứng vô tận giúp các sáng tác của họ đậm đặc chất liệu sống.
Các
tác giả đã: Đưa ta về những tháng ngày chiến đấu gian khổ mà hào hùng (Thơ: Tiếng mõ đồng khởi, Giải
phóng quân, Chống xuồng ra chiến trường xa… Văn
xuôi: Cánh đồng hoang; Xôn xao đồng nước; Chiến sĩ thông
tin; Quê hương tôi, Tình riêng nghĩa cả, Dưới cờ giải phóng; Trái tim Tháp
Mười; Nhớ lại một cái Tết…); đưa ta về các giai đoạn lịch sử trong hai thời
kỳ kháng chiến, sự hy sinh cao cả của anh bộ đội Cụ Hồ, về chiến tranh biên
giới Tây Nam, về người chiến sĩ làm nghĩa vụ quốc tế (Về căn cứ Khu trên vùng nước nổi;
Vòng sóng đến vô cùng; Gốc mai già; Câu chuyện người lính…); nói lên tình
cảm của các anh bộ đội hành quân qua Đồng Tháp (Hò Đồng Tháp, Qua Kiến
Phong, Ở An Long, Đêm Tháp Mười…); cho thấy khí thế đấu tranh hào hùng giữa
lòng Sài Gòn trong phong trào sinh viên tranh đấu (Ta đã lớn lên bên này
châu Á;…); ca ngợi quê hương và thể hiện tình yêu quê hương tha thiết (Thơ: Đồng Tháp Mười; Nông trường mùa
gieo hạt; Thương nhớ vùng quê; Đợi mùa lúa chín; Nhớ Mỹ Hiệp; Vườn hoa Sa Đéc;
Hương tràm Đồng Tháp; Ký ức đồng; Thăm vườn hồng Đồng Tháp; Văn xuôi: Tiếng ca từ những trái tim; Niềm
vui mới; Đêm trăng non Gò Tháp; Thuốc Xiêm mẳn Cao Lãnh, Áo bà ba…); ca
ngợi tình yêu đôi lứa (Em là
một nửa của anh; Áo vàng Sa Đéc; Nhớ em người nữ xung phong); cho thấy cuộc sống êm ả, thanh bình của
quê hương sau chiến tranh (Mùa
cá linh; Sự lựa chọn của người con gái ấy; Xóm Vàm ngày ấy…); ca ngợi nhân
vật anh hùng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhắc nhớ anh hùng liệt sĩ (Thuyền trưởng Bảy Ngạnh với chiếc
tàu Phú Quốc; Gặp má Long Hưng; Có một khoảng trời xanh…); ca ngợi người
phụ nữ trong chiến tranh cũng như trong hòa bình (Ánh trăng; Người đàn bà bên dòng nước đổ; Dưới ánh trăng Đồng Tháp Mười; Quý
hơn bạc vàng; Đám cưới đầu xuân; Nhớ em người nữ xung phong…); đi sâu vào
mảng văn học hiện thực (Phía sau một đời người; Kẻ tử thù của tôi, Không thể
mua bằng tiền; Mùa gác chéo…); chú ý mảng xây dựng cuộc sống mới trong thời
hòa bình (Một khúc ngoặt sông Tiền; Mùa bông điên điển năm xưa; Tỷ phú vùng
sông nước; Những người áo trắng, Người dạy hát quốc ca, Tiếng đàn dưới chân Gò
Tháp…)…
Và
nhiều nữa, không thể kể hết trong một bài báo.
Tất
cả họ - những văn thi sĩ chuyên hoặc không chuyên - đều giống nhau ở một điểm:
dù là quê Đồng Tháp,
hay người từ nơi khác đến, thì cũng đều yêu xứ sở này mà viết. Không ít
trong số những chiến sĩ văn nghệ đó đã anh dũng hiến dâng cả máu xương mình cho
sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Tôi xếp lại trang sách với một cảm giác tràn
đầy, sướng vui, tin tưởng và… nuối tiếc: Tràn
đầy vì thực tế chất liệu văn
học của từng ấy tác giả đã đưa người đọc đến tận cùng cảm xúc, từng tên đất,
tên người, tên địa danh… với biết bao thân thương, cảm phục. Sướng vui vì cái đẹp ấy của cuộc sống thông qua văn
học đã được phổ biến rộng rãi. Tin
tưởng vì sức sống mãnh liệt
của văn học Đồng Tháp. Cụ thể là từ sau giải phóng đến nay, lực lượng sáng tác
văn học của Đồng Tháp đã phát triển lên đến con số hàng trăm người, hàng ngày
vẫn cần mẫn cày xới trên cánh đồng văn nghệ, mang yêu
thương đến cho người đọc. Nuối
tiếc: Thứ nhất, do già
yếu và trọng bệnh, một số tác giả đã về cõi vĩnh hằng, để lại tiếc thương trong
lòng bạn đọc như: học giả Nguyễn Hiến Lê, nhà văn lớn Sơn Nam, nhà thơ Tố Hữu,
Bùi Giáng, Lê Anh Xuân, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, cây bút lão thành Công
Đoàn, cây bút Lê Vũ Hùng… Đặc biệt là họa sĩ tài hoa Nguyễn Việt Hải (trình bày
bìa sách) cũng chính là cây bút có bản sắc Đặng Ca Việt đã vĩnh viễn ra đi sau
vụ tai nạn giao thông năm 2003; thứ hai, người đọc hiểu rằng, do khuôn khổ
quyển sách có hạn nên không có phần tóm tắt sơ lược tiểu sử tác giả, nếu có
phần này, người đọc sẽ biết thêm được nhiều hơn (thí dụ như tác giả Trà Giang
Thôn Lão, ít ai biết đó là bút danh của Hội đồng Phu (Phan Văn Dược -
1875-1946) là một nhà Nho, một nhà thơ, chịu ảnh hưởng Tây học, có tư tưởng cấp
tiến, yêu nước thương dân, hằng tâm hằng sản, nổi tiếng Tiểu Mạnh Thường xứ Cao Lãnh hay tác giả Đồng Tháp (có bài trích Ta đã lớn lên bên này Châu Á,
trang 294) là bút danh của Hữu Đạo (tên hoạt động) - một trong những lãnh đạo
Phong trào Sinh viên - học sinh Sài Gòn trước giải phóng). Tên thật: Nguyễn Sĩ
Hiền, sinh năm 1950 tại Đồng Tháp, bút hiệu: Đồng Tháp, Yên Thao, Rạch Gầm...,
tác phẩm: Sài Gòn 71, tập thơ (1971); Ta
đã lớn lên bên này châu Á, Tổng
đoàn Học sinh Sài Gòn xuất bản, 1971…); thứ ba,Lời nói đầu của sách viết: “Mong muốn thì lớn mà sức người và
điều kiện còn hạn chế, cho nên việc sưu tầm không thể hết và cũng không thể in
hết những gì đang có. Không hẳn bài nào trong tuyển tập nầy cũng đều có chất
lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật, càng không phải những bài không có mặt ở
đây là chất lượng thấp. Có nghĩa là còn nhiều bài viết có giá trị do chưa sưu
tầm được nên chưa có mặt ở tuyển tập nầy. Trình độ và năng lực của những người
sưu tầm, biên tập có hạn, nên vẫn còn nhiều sơ sót. Sự mất cân đối giữa số
lượng tác giả và tác phẩm qua các thời kỳ cũng bộc lộ rõ nét. Càng đi ngược về
đầu thế kỷ XX, tác giả, tác phẩm càng ít hơn. Đến thời chống Pháp, chống Mỹ
cũng chưa cân xứng. Rất mong được sự thông cảm và nhận được nhiều ý kiến đóng
góp, bổ sung của bạn đọc gần xa”. Vâng,
bạn đọc hiểu và cảm thông điều này (thí dụ, giai đoạn tiền chiến không thấy tên
tác giả Nguyễn Thị Lựu (1909 -1988)
- mà một ngôi trường ở Phường 4, Thành phố Cao Lãnh được mang tên bà - đảng
viên từ 1929, vào tù ra khám vì hoạt động cách mạng, tác giả hồi ký Tình yêu và ánh lửa, Nxb. Văn
nghệ TPHCM, 1989); thứ tư, việc phổ biến tác phẩm, đưa tuyển tập này đến tay
công chúng vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều người nói họ rất cần tài liệu văn học
như vậy để nghiên cứu, phục vụ cho các luận văn, luận án ở bậc đại học và sau
đại học, song không biết phải tìm mua hoặc mượn ở đâu…
Tóm
lại, Tuyển tập văn học Đồng
Tháp thế kỷ XX là một công
trình lớn, đáng tự hào và vô cùng quý giá. Sách đã đưa ta sống lại từng giai
đoạn cách mạng, hiểu thêm lịch sử tỉnh nhà 100 năm qua, khiến lòng ta càng yêu
hơn từng tấc đất quê nhà, từng góc phố thân thương, từng bờ tre con rạch, đồng
thời thấy có trách nhiệm về việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa (trong
đó có văn học nghệ thuật). Người đọc rất cám ơn chủ trương thực hiện tuyển tập
này của các vị có trách nhiệm, cám ơn các tác giả đã rút ruột nhả tơ, viết nên
tác phẩm. Người đọc cũng ước ao sắp
tới sẽ có thêm nhiều tuyển tập khác trình làng và có thể mua được, ước ao có
thêm nhiều cây bút mới chung tay góp sức cùng các cây bút kỳ cựu để có những
tác phẩm văn học phục vụ cho nhu cầu thưởng thức, nghiên cứu văn hóa văn nghệ
của nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Tác giả: Lệ Thanh