|
Phó tiến sĩ Nguyễn Văn
Tường kể
Đầu năm 1947, tôi chính thức thoát
ly, đi làm liên lạc cho cơ quan Tỉnh ủy Long Xuyên, tỉnh Long Châu Tiền đóng ở
Chợ Mới rồi Hồng Ngự. Lúc ấy ông Huỳnh Chí Mạnh làm bí thư. Sau một thời gian, thấy
tôi nhanh nhẹn, bác Hà Minh Cảnh là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân cứu quốc
Nam bộ đưa tôi về làm giao liên thuộc bộ phận Văn phòng của Hội, lúc đó đóng ở
Mộc Hóa, có lúc di chuyển lên Mỹ An và Cao Lãnh. Cơ quan Hội đóng kế cơ quan
anh Trần Bạch Đằng (lúc ấy anh Đằng là Bí thư Đoàn thanh niên). Tôi thường phải
chèo xuồng nhận giao công văn có khi khoảng cách xa từ 15 đến 20km trên đồng
nước, trong đêm mưa to gió lớn, bao hiểm nguy rình rập, muỗi mòng dày đặc nhưng
tôi đều vượt qua được. Năm 1949, tôi là thư ký, văn thư của Ty Xã hội - Thương
binh tỉnh Long Châu Tiền sau đó cấp trên cử đi học trường tiểu học kháng chiến
Nguyễn Hữu Nghi. Lúc đầu đóng tại xã Tân Phú quận Chợ Mới. Sau mấy tháng máy
bay oanh tạc dữ quá, trường chuyển lên Sa Rài, Hồng Ngự.
Sau khi mãn khóa vào tháng 11 năm
1950 tôi chuyển qua bộ đội ở đại đội 947, tiểu đoàn 311, trung đoàn Đồng Tháp
thuộc tỉnh Long Châu Sa. Hiệp định Geneve được ký kết, tôi đang là tiểu đội
trưởng, đại đội 950 cũng thuộc tiểu đoàn 311 Long Châu Sa thì được phân công
làm đội trưởng tập hợp tất cả thương binh lại của tỉnh về để đi tập kết. Trung
đội tôi tập hợp được gần 80 anh em thương binh. Từ Hồng Ngự cả đơn vị hành quân
về Cao Lãnh, thương binh nhẹ thì đi bộ, thương binh nặng thì được khiêng cáng
đưa xuống xuồng bơi. Cả trung đội tập hợp lại ở Hòa An. Ở đây anh em ở trong
nhà dân, ăn uống thì bộ đội đi chợ tự nấu. Bà con xung quanh nơi đơn vị đóng
quân rất thương anh em thương binh của mình. Có gì ngon lại múc từng tộ tới
thêm vào khẩu phần ăn cho anh em, nhất là thương binh nặng và cùng chúng tôi
chăm sóc, lau rửa vết thương cho anh em khiến bộ đội ai nấy rất cảm động.
Còn tôi, hai mươi bốn tuổi đời, tôi không
vướng bận chuyện gia đình. Nhà nghèo phải đi ở đợ cho địa chủ từ rất sớm, sau
khi tham gia cách mạng là thấy cuộc đời mình như chắp thêm cánh, tuy cũng cực
khổ nhưng so với đi ở đợ thì chẳng thấm vào đâu. Và do đi hoạt động thoát ly
suốt nên tôi cũng chưa quen ai, hứa hẹn cùng ai. Thời gian ở Hòa An có má và em
ruột tôi xuống thăm trước khi tôi xuống tàu. Bà dặn dò tôi hoài được ra Bắc
phải cố gắng học hành, phấn đấu thành tài để sau hai năm trở về Nam xây dựng lại
quê hương. Do không phải đơn vị bộ đội trực chiến nên cả đơn vị ăn mặc bình
thường, ai có gì mặc nấy, chúng tôi không được phát quân phục như bộ đội (chắc
do ta không đủ để phát). Tôi chuẩn bị thêm đồ ăn, ít đường sữa và thuốc men loại
cảm cúm, tiêu chảy, chống ói đem theo xuống tàu phòng hờ. Ở Cao Lãnh chưa đầy
một tháng, vào chiều ngày 23/10/1954 chúng tôi hành quân xuống tàu há mồm của Pháp
để chuyển ra tàu Liên Xô ở biển Cấp - Xăng Rắc (Vũng Tàu ngày nay) lúc 8giờ
sáng ngày 24 tháng 10.
Sau
3 ngày 3 đêm lênh đênh trên biển, biển những ngày này ít sóng, cũng có một số
anh em không quen đi biển bị say sóng. Chúng tôi người khỏe lo cho người yếu, nhất
là anh em thương binh nặng phải tập trung chăm sóc nhiều hơn, chúng tôi hiểu rõ
trách nhiệm phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, trong khả năng có thể cho tất cả
thương binh trong suốt hành trình trên biển. Dù cũng là thương binh khá nặng
nhưng với trách nhiệm được giao, tôi cứ phải chạy tới chạy lui trên tàu xem anh
em ăn uống, tình hình sức khỏe của từng người,…
Tàu cập bến Thanh Hóa vào lúc 11 giờ
trưa ngày 27/10/1954. Chúng tôi làm thủ tục giao thương binh cho bộ phận tiếp
nhận trên bờ. Sau đó đơn vị được xe quân đội chở về huyện Tiền Hải, 3-4 tháng sau
được lịnh trên hành quân về huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) chống di cư của
bọn phản động trong tôn giáo. Đầu năm 1955 tôi về trung đội trinh sát thuộc
trung đoàn 658. Sau đó được đi học các trường học sinh miền Nam, trường Bổ túc
công nông Khu Tự trị Thái Mèo ở tỉnh Sơn La, sau chuyển về Hà Nội rồi Phú Thọ.
Tốt nghiệp phổ thông ở trường bổ túc công nông Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh),
tôi lại được cử đi học lớp sĩ quan hóa học ở trường Lục quân Sơn Tây. Vào tháng
8/1959 tôi là chuẩn úy phụ trách trung đội trinh sát bức xạ hóa học, đại đội
39, binh chủng hóa học thuộc quân khu Tây Bắc. Chung đơn vị tôi lúc đó có ông
Bùi Quang Minh, Nguyễn Thanh Tịnh thuộc đơn vị trinh sát bức xạ hóa học.
Bởi bị thương tật nặng, các vết
thương hoành hành, sức khỏe không đảm bảo phục vụ lâu dài trong quân đội nên cuối
năm 1960 tôi chuyển ngành đi học tiếp. Do từ nhỏ không được học hành, vào đơn
vị chỉ học lóm, nên khi được đi học tôi rất cố gắng nỗ lực tranh thủ thời gian mà
học. “Có công mài sắt có ngày nên kim”, trong suốt thời gian học tại trường Đại
học Nông nghiệp 1 Hà Nội, khoa kinh tế nông nghiệp tổng cộng phải học 36 môn
thì khi thi hết môn có 35 môn tôi được điểm 5, chỉ có 1 môn được điểm 4 (lúc ấy
điểm 5 là điểm tối đa, tương đương điểm 10 bây giờ). Sau khi tốt nghiệp đại
học, do học giỏi, trường giữ lại và cho tôi học thêm bằng hai đại học Mác Lê
Nin, môn triết học. Học xong tôi về trường làm giảng viên bộ môn triết học trường
Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội. Năm 1972, tôi được đi nghiên cứu sinh triết học ở
trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương.
Giải phóng miền Nam, đầu năm 1976, tôi được điều về về trường
Nguyễn Ái Quốc miền Nam.
Lúc ấy tôi công tác chung với các anh: Năm Trang, Tư Quốc, Sáu Cầm, Hai Trinh…
Một thời gian sau trường này giải thể, thành lập các trường đào tạo cán bộ cho
các tỉnh phía Nam:
Trường 7 (chuyên đào tạo cán bộ công thương nghiệp); Trường 8 (chuyên đào tạo
cán bộ nông nghiệp); Trường 9 (chuyên đào tạo cán bộ tuyên huấn) và Trường tổ
chức kiểm tra Trung ương. Tôi về làm giáo viên của Trường 7. Năm 1979, tình
hình Pôn Pốt nổi lên, việc đào tạo cán bộ công thương nghiệp ở trường 7 được
giao về Trường 8, chúng tôi được giao nhiệm vụ đào tạo chính trị cho cả cán bộ lãnh
đạo Campuchia. Tôi đã từng dạy lớp cán bộ cao cấp, có nhiều lãnh đạo như: Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng (lúc ấy ở Cà Mau), ông Hunsen, ông Mười Kỷ (Bí thư Bạc
Liêu)…… Tới năm 1987, do thiếu cán bộ, tôi được Trung ương điều về Hiệu trưởng
Trường Đảng Phạm Hữu Lầu của tỉnh Đồng Tháp cho đến năm 1990 thì về hưu trở về
thành phố Hồ Chí Minh sinh sống.
Nhìn lại cả cuộc đời, phần lớn thời
gian tôi được nhà nước cho đi học. Từ anh học trò nghèo lớp 2 xuống tàu tập kết
ở bến Bắc Cao Lãnh, một chuyến đi thật ý nghĩa. Trở về, tôi trở thành phó tiến
sĩ triết học Mác Lênin rồi giảng dạy, làm công tác quản lý ở các trường đại học
danh tiếng trong nước. Cám ơn Đảng, Bác Hồ đã đào tạo bồi dưỡng, trang bị cho chúng
tôi có đầy đủ kiến thức, ở tất cả các lĩnh vực quan trọng để khi giải phóng
miền Nam, đội ngũ trí thức hùng hậu chúng tôi đã trở về tiếp quản, cơ bản đủ
cán bộ chính trị, quân sự, kinh tế để cho guồng máy mới vận hành nhịp nhàng,
thông suốt trong những năm đầu mới giải phóng, tạo nền tảng vững chắc để xây
dựng bộ máy chính quyền ở các tỉnh miền Nam hòa chung cả nước phát triển ngày
càng đi lên “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như ý nguyện của Bác Hồ kính yêu lúc
còn sống./.
|
|