|
Năm 1951-1952, ta có
chánh sách Hoà Hảo vận: các tổ chức đoàn thể được giao nhiệm vụ tuyên truyền
vận động binh lính nguỵ rã ngũ mang súng về với cách mạng, ủng hộ Việt minh.
Chánh sách này được quán triệt sâu rộng và bước đầu mang lại nhiều hiệu quả
tích cực, nhưng sau đó do có tư tưởng hữu khuynh từ một số cán bộ của ta “không
được đánh phủ đầu” vô tình đã tạo cơ hội cho địch lợi dụng lấn chiếm, mở rộng
địa bàn. Năm nay nước lớn (năm Thìn bão lụt), nước cao chưa từng thấy và kéo
dài hơn ba tháng trời, gây nhiều thiệt hại, khó khăn cho nhân dân và lực lượng
kháng chiến. Lợi dụng tình hình này, địch liên tiếp mở nhiều đợt càn quét gây
cho ta không ít thiệt hại. Chúng cho lực lượng lấn sâu vô hướng Mỹ Ngãi, lộ 30,
cánh hậu Phong Mỹ, Lò Than, kinh Thầy Thông Ngãi… khiến cho lực lượng của ta có
lúc gần như không còn chỗ ở. Anh em cán bộ, du kích phải rút tuốt vô rạch Xẻo
Mai để cầm cự.
Trước diễn biến bất lợi
như vậy, tỉnh và huyện Cao Lãnh đề ra một số giải pháp nhằm đối phó với địch,
củng cố phong trào. Dịp này, anh Hà Huy Giáp về nghe báo cáo, anh có vẻ rất
không hài lòng: “Để cho tụi nó vô đóng đồn vầy thì làm sao chịu nổi. Chúng sẽ
được nước lấn tới hoài. Do đó bằng mọi cách phải tổ chức đánh địch giành lại
thế trận…”. “Tư tưởng” của anh liền sau đó được thực hiện bằng hành động. Du
kích Mỹ Xương tổ chức bao vây đồn Lò Than buộc chúng phải rút quân. Lực lượng
của ta ở một số nơi khác cũng hăng hái xuất quân, ta chiếm lại một số đồn. Tuy
vậy, ở các nơi ven lộ 30 địch vẫn kiểm soát được tình hình. Trên tiếp tục có
chỉ đạo: “Khi địch bung ra lấn chiếm, nơi nào có thể giữ được thì quyết tâm
giữ, đừng để cho địch đóng lấn rộng thêm ra”.
Ở địa bàn huyện Cao Lãnh, ta đẩy mạnh phong trào du kích, kết hợp với Tỉnh đội và Tiểu đoàn
311 đánh diệt được khẩu pháo ở doi Bình Thạnh - khẩu pháo gây rất nhiều khó dễ cho ta. Người có công lớn trong trận đánh
này là chiến sĩ đặc công Võ Văn Mừng của Tiểu đoàn 311.
Trong thời điểm này, Tỉnh chỉ đạo cho Huyện ủy Cao Lãnh mở hội
nghị kiểm thảo rút kinh nghiệm cách chỉ đạo chống địch càn quét, lấn chiếm, xác
định cho đúng “chiến thuật du kích là chiến thuật giành lấy chủ động hoàn toàn,
là chiến thuật độc đáo kết hợp toàn diện chống lấn chiếm của địch đạt hiệu quả
cao. Ở những nơi địch chiếm đóng ta cũng nắm phần chủ động luôn luôn quấy rối
tiêu hao và tiêu diệt địch. Phối hợp chặt chẽ sức chiến đấu của lực luọng bộ
đội đia phương, du kích và nhân dân tạo thành sức mạnh tổng hợp, là phòng tuyến
vững chắc, khiến kẻ thù phải khiếp sợ”. Anh Chánh được Huyện ủy phân công chủ
trì hội nghị này nhưng trong lúc chuẩn bị tiến hành thì có thư của Tỉnh ủy Long
Châu Sa gọi anh về gấp. Anh kêu tôi thay anh phụ trách cuộc họp. Cuộc họp mới
bắt đầu thì có tin địch đang càn tới rất đông, có cả xe bọc thép M113 quần rát
theo hỗ trợ. Anh em về dự hội nghị bung ra tứ tán. Tôi đem cất giấu tài liệu
xong đâu đó, rồi cũng tìm chỗ chém vè. Tôi không rõ địch càn theo hướng nào,
chỉ cảm nhận được là chúng đang ở rất gần, nên cứ cặp theo bờ kinh mà dông đại
vô hướng rạch Xẻo Mai. Đang chạy, nghe có tiếng động ở phía sau, tôi ngoái đầu
nhìn lại thấy một thằng lính người Miên (lính đánh thuê của Pháp) đứng chĩa
súng nhắm vào tôi ở một khoảng cách khá gần. Theo phản xạ tự nhiên, tôi giật
mình và ngồi thụp xuống. Súng nổ vang chát chúa, một viên đạn vừa xước qua đầu, tôi ngã nhào nằm luôn xuống đất. Chưa kịp ngồi dậy thì tôi đã bị
một tên lính cao to khác xông tới thộp cổ, trói gô lại. Thằng lính Miên lúc nãy
sáp lại lục soát các túi áo tôi (chắc chỉ để moi tiền) và phát hiện được tờ
giấy tôi quên không kịp cất giấu. Đó là tờ giấy chứng nhận tôi là Đoàn viên
Thanh niên cứu quốc. Chúng lập tức sanh nghi: “Thằng này chắc có liên quan tới
Việt minh, giải nó đi theo luôn!”. Cùng bị bắt với tôi bữa đó còn có một số người
khác. Trên đường dẫn giải, tôi bị cột chung sợi dây trói với một anh có tên là
anh Trần Văn Minh. Anh Minh
khi bị bắt trong túi cũng có tờ giấy giới thiệu đi công
tác ghi
rõ chức danh là Thư ký của Tỉnh đảng bộ Long Châu Sa. Anh này là người có trình
độ, nói giỏi tiếng Pháp. Anh nói với tôi: “Tụi nó trói kiểu này mình khó trốn.
Tui mà trốn được, tụi nó sẽ giết anh. Nhưng anh đừng lo, tui có một người anh
làm việc cho họ ở Cần Thơ tới chức Trưởng ty Công chánh lận. Tui sẽ tìm cách
nhắn tin cho ảnh nhờ gởi gắm, lo cho hai đứa mình được thả ra”.
Những người bị bắt
chúng tôi bị đưa tuốt về Sóc Trăng vì nghe nói đây là căn cứ đóng quân của đơn
vị vừa tổ chức cuộc càn quét. Ở đây, họ giam chúng tôi lại trong phòng kín mà
không thấy đá động gì tới, rồi đưa về Cần Thơ nói là để xét xử. Từng một lần bị
bắt và tra tấn, nên đối với tôi chuyến này cũng chưa thấy gì đáng sợ lắm, chỉ
băn khoăn không biết họ sẽ xử mình tội gì, ở tù bao lâu? Từ những người bị dẫn
giải chung, tôi nghe được: ở Cần Thơ, nếu bị xử giam vô khám lớn (do Tây cai
quản) thì còn đỡ, chớ giao cho bên PX của tụi lính nguỵ nó đánh dữ lắm.
Làm con người có ai
muốn mình bị đánh đập bao giờ. Nhưng đã dấn thân làm cách mạng thì chuyện này
sớm muộn gì rồi cũng xảy ra. Những ngày này tôi suy nghĩ nhiều về thân phận của
một người dân mất nước, suy nghĩ về phẩm cách của một đảng viên cộng sản. Tôi
tự nhủ mình dù trong hoàn cảnh nào cũng phải sống mà không phải hổ thẹn với
chính bản thân mình và với những người đồng chí, đồng đội. Rất may là trong
những ngày này, chúng tôi không phải bị đánh đập hay khảo tra như điều mọi
người lo lắng, thậm chí còn gặp được một người dẫn tù tốt bụng bày cho cách đối
phó: vô đó cứ làm ra vẻ thiệt thà, nó có hỏi gì liên quan tới Việt minh cứ nói
hổng biết cho qua chuyện.
Ở trại tạm giam Cần
Thơ chừng khoảng tuần lễ, chúng tôi được đưa ra xét xử. Tôi không biết đó có
phải là phiên tòa hay không, vì cái cách họ tổ chức thấy có vẻ không lấy gì làm
quan trọng lắm. Buổi xét xử được tiến hành trong một gian phòng khá rộng có vài
ba chiếc bàn làm việc. Chủ toạ là một người Tây, thư ký là một người Việt; họ
hỏi và xử khá nhanh, cứ như là một việc làm chiếu lệ. Cho đến tận bây giờ, khi
nhớ lại vụ này, tôi vẫn cứ thấy hơi mắc cười: không biết do các vị “quan toà”
này còn mù mờ về Việt minh, về những người hoạt động cách mạng hay bởi vì họ
cảm thấy mệt mỏi khi phải xử quá nhiều các đối tượng bị cánh quân đội bắt bớ
một cách tuỳ tiện, vô tội vạ sau những đợt đi càn, bố mà cách ra quyết định
cũng hết sức ngẫu hứng. Tỷ như họ kêu tên anh Trần Văn Minh lên hỏi:
- Mày có phải là Việt
minh không? - Dạ, không phải.
- Trong tờ giấy ghi
tên mày là Thư ký của Tỉnh đảng bộ. Vậy Thư ký của Tỉnh đảng bộ là làm việc gì?
- Là giữ giấy tờ thôi chớ hổng có làm gì.
- Nếu được thả ra,
mày sẽ làm gì, ở đâu? - Dạ, Tôi sẽ ra chợ xã làm thầy giáo để dạy cho mấy đứa
trẻ.
- Tha cho thằng này! Họ
tuyên bố như vậy, và sau đó tôi được biết anh Minh đã được tự do.
Họ tiếp tục gọi tên
anh Là, hỏi:
- Nghe nói mày công
tác trong Huyện đội, cụ thể là làm việc gì? - Dạ, Huyện đội là để đi vận động
dân quân sản xuất lúa gạo thôi.
- Có đi đánh trận
không? - Không có! Tụi tui không có súng.
- Vậy cho mày tự do,
mày về làm gì, ở đâu? - Dạ, tui về chợ Sa Đéc làm nghề mua bán sinh sống.
Anh này cũng được
tuyên bố cho được tự do.
Tới lượt tôi, họ cũng
hỏi có phải Việt minh không. Dĩ nhiên tôi nói không. - Sao trong túi mày có tờ
giấy ghi là Đoàn viênThanh niên cứu quốc của xã?
Tôi trả lời vì ở xã,
phải vô tổ chức đó mới xin giấy phép đi làm ăn được. - Làm ăn gì, ở đâu? - Dạ,
đi mua bán chuối lòng vòng ở trong xóm. Không nghe họ hỏi câu: nếu được tự do,
mày sẽ làm gì, mà chỉ thấy họ hội ý với nhau rồi quyết định đưa tôi về biệt
giam ở Khám Lớn.
Khám Lớn là một khu
nhà biệt lập ngăn cách với khu dân cư và công sở bằng các lộ giới lớn có tường
cao bao bọc, có bốt gác để kiểm soát tù nhân, nằm cạnh Dinh tỉnh trưởng và đối
diện với Toà Bố (Toà Hành chánh) ở phía bên kia đường. Những ngày đầu bị đưa
vào giam trong Khám Lớn tôi cứ thấy tiếc cho mình là không khéo ăn nói như anh
Minh, anh Là và một số anh em khác để được thả tự do. Phải chi lúc đó tôi cũng
nói mình làm thầy giáo hay làm nghề mua bán chi đó ở chợ búa, cách xa vùng giải
phóng thì đỡ khổ biết mấy. Nhưng hoàn cảnh đã đẩy đưa như vậy thì đành phải
“nhắm mắt đưa chân” chứ biết sao được.
Ở Khám Lớn, sau ít
ngày bị biệt giam, tôi được chuyển sang một phòng giam khá rộng. Ở đây, ngoài
dăm ba tù chính trị như tôi (chỉ bị nghi thôi, chớ chưa có kết luận buộc tội gì
một cách rõ ràng), số còn lại phần đông là thường phạm, trong đó nghe nói có
vài ba tay là dân anh chị có tiếng ở chợ này, chợ nọ. Những ngày đầu “xã giao”,
có người hỏi tôi: ở đâu tới, đi tù vì tội gì? Tôi cứ thiệt thà đáp: ở vùng căn
cứ cách mạng, bị bắt vì họ nghi làm Việt minh. Không ngờ, với cái “mác” như
vậy, vô tình tôi lại được nhiều người tỏ ý nể nang. Tôi không phải chịu cảnh
“ma mới bị ma cũ ăn hiếp” một phần cũng do cách cư xử mềm mỏng của tôi với mọi
người. Tôi tự nhủ: là Việt minh thì hãy để họ nghĩ tốt về mình. Và như vậy,
suốt gần sáu tháng trời sống cảnh tù tội, tuy phải chịu nhiều cực khổ nhưng
được cái là tôi không phải bị ai đánh đập, hiếp đáp. Tôi chuyển hướng quan tâm
vào một chuyện khác: trong này không biết có ai là người của ta tìm cách móc
nối hoạt động bí mật, hay có ai là người của địch cài cắm vào để nắm bắt thông
tin? Tôi luôn để ý quan sát, lắng nghe nhưng không thấy có biểu hiện gì nên vẫn
cứ cam lòng chờ đợi một ngày nào đó sẽ được phóng thích như một số bạn tù khi
“đến hạn lại lên”. Người đời nói: “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” quả
không sai. Sự chờ đợi của tôi thấy mòn mỏi làm sao. Tôi cảm thấy nặng lòng khi
nghĩ về gia đình, về những người thân, về đồng chí, đồng đội, về tình hình cách
mạng bên ngoài, ở địa phương… Tất cả những điều này đều quá đỗi mịt mờ vì tôi
chẳng có chút nguồn thông tin nào. Thì đành phải chịu vậy thôi! Nhưng rồi những
ngày này tôi cũng có một vài kỷ niệm nhỏ ít nhiều làm tôi khuây khỏa. Ở đây,
tôi được gặp hai tù nhân là người nước ngoài biết nói tiếng Pháp nhưng không
phải là người Pháp. Họ bị giam cầm vì tội đào ngũ hay vi phạm kỷ luật quân đội
chi đó tôi không rõ. Họ nói với chúng tôi mấy câu tôi nghe được lõm bõm rằng:
tất cả chúng ta đều là tù binh, đều là nạn nhân của chiến tranh, nên đừng làm
gì tổn thương nhau. Hết chiến tranh, họ sẽ thả chúng ta ra hết thôi… Tôi hỏi họ
đến từ quốc gia nào? Một anh trả lời là người Đức, anh kia nói ở châu Phi hay
xứ nào đó tôi nghe không ra. Họ cũng tỏ vẻ cam chịu và cư xử mềm mỏng lắm. Tôi
nghĩ: không biết trước đó họ đã làm gì trên mảnh đất này, nhưng chung quy họ
cũng là những con người có hoàn cảnh đáng thương, nên có ý cảm thông và sẵn
lòng chia sẻ khi có điều kiện.
|
|