|
Trên cơ sở lực lượng
võ trang địa phương đã hoạt động mạnh, bẻ gãy được nhiều cuộc càn vào căn cứ,
bao vây đồn bót, tiêu diệt, tiêu hao sinh lực của địch, mở rộng vùng căn cứ du
kích. Từ đó, phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh ở nhiều xã, phong
trào tòng quân sôi nổi, vũ khí trang bị nhiều và hiện đại hơn trước. Bộ đội địa
phương huyện đã đủ mạnh, được trang bị cả súng đại liên, trung liên, súng cối,
súng phóng lựu… Bộ đội cơ động của Khu như tiểu đoàn 307, trung đoàn 311 của
tỉnh thường xuyên chi viện phối hợp với lực lượng võ trang huyện trong những
trận đánh lớn, có tác động mạnh đến hệ thống đồn bót địch khắp chiến trường
trong huyện. Du kích các xã được thế cũng phát triển mạnh cả về số lượng lẫn
chất lượng và có nhiều kinh nghiệm trong chiến đấu, vũ khí cũng được trang bị
khá hơn, được huấn luyện kỹ thuật hành quân phối hợp tác chiến, hậu cần, tiếp
tế để kịp đáp ứng tình hình mới.
Thời gian này, tôi
tiếp tục được phân công là Huyện ủy viên, kiêm Chánh trị viên lực lượng địa
phương quân của huyện. Những tháng đầu năm 1954, bộ đội địa phương phối hợp với
bộ đội Phân khu miền Đông nhiều lần tổ chức đánh bót, đánh bọn giải tỏa, tuần
tiễu, bao vây công đồn, pháo kích, phá tề trừ gian, diệt và làm bị thương nhiều
tên địch. Cùng tham gia với anh em những trận đánh từ xã này qua xã nọ, tôi lại
thêm một lần may mắn thoát chết lúc bao vây một đồn địch ở cánh trên (vạt Phong
Mỹ).
Bữa ấy, tôi cùng một
số anh em trong Ban chỉ huy trận đánh đang “chốt quân” trong một căn nhà dân
nằm rất gần đồn địch để tiện bề theo dõi; đương lúc chúng tôi có phần thiếu
cảnh giác vì nghĩ có cánh dân quân xã cũng đóng ở gần sát đó cảnh giác thay thì
bất ngờ có một đám lính bảo an kéo ra. Cái may là cũng vừa lúc đó, anh Trinh
trong nhóm chúng tôi bước ra ngoài đi tiểu kịp thời phát hiện và hô toáng lên
báo động. Anh em hùa nhau tốc chạy; địch nổ súng bắn theo rát rạt. Nhờ cánh anh
em cạnh bên nổ súng chi viện nên chúng tôi mới được an toàn. Anh Trinh sau đó
còn nói vui: May nhờ có tui đi đái, chớ trễ một chút là toi mạng hết ráo!
Tháng
02/1954, du kích xã Mỹ Hiệp phục kích đánh địch càn từ Xóm Xẻo ra Bà Minh, diệt
hơn 2 trung đội địch. Nổi bật trong tháng 4 và tháng 5-1954: du kích Mỹ Hiệp
phối hợp đặc công huyện đánh kỳ tập, diệt gọn đồn đình Tấn Mỹ. Sau đó, phát
triển tấn công bao vây bứt rút 5 đồn địch, chiếm trụ sở tề, giải phóng cơ bản
xã. Số địch bị diệt, bị thương, bị bắt và đào rã ngũ hàng trăm tên. Ta thu
nhiều súng, đạn.
Thông tin
từ chiến trường phía Bắc: từ khi Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn (ngày
13-3-1954), nhằm chia lửa cho chiến trường này, quân và dân miền Nam ở khắp nơi
đã đẩy mạnh tiến công, giành quyền chủ động, mở rộng nhiều vùng giải phóng.
Quân và dân Cao Lãnh vô cùng phấn khởi, hăng hái tập trung đánh địch với khí
thế mới. Rồi
tin vui lớn bay về: ngày 07-5-1954, quân ta giành thắng lợi quyết định, tiêu
diệt và bắt sống toàn bộ quân địch ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Tin vui như một cơn mưa giữa mùa nắng
hạn, đã tạo ra sinh khí nô nức tưng bừng, tiếp sức cho quân và dân khắp vùng
thừa thắng xông lên tiến công địch, bao vây bứt rút, bứt hàng thêm nhiều đồn
bót, giải phóng nhiều xã, ấp. Đặc biệt, tỉnh kịp thời chỉ đạo chuyển mở vùng
Hòa An, Tân Thuận Tây, Tân Thuận Đông, gỡ đồn bót dọc sông Cao Lãnh… tạo thế
căn cứ, giải phóng liên hoàn, áp sát huyện lỵ Cao Lãnh. Quân ta đã có mặt ở
ngay phía bên này cầu Đình Trung trong khí thế sẵn sàng tấn công. Ở những nơi
trước đây địch hung hãn, ngoan cố thì giờ đây cũng phải co cụm hoặc phải xin
hòa hoãn với ta.
Chiến thắng đang ở
rất gần; cơ hội trăm năm một thuở để giải phóng quê hương, giải phóng Cao Lãnh
giành lấy chính quyền về tay nhân dân tưởng chừng chỉ còn trong một tầm tay
với. Chúng tôi đứng ở phía bên này cầu Đình Trung nhìn qua phía bên kia vùng
thị tứ - nơi địch còn đang dồn quân tìm cách cầm cự, mà lòng cảm thấy dâng lên
một cảm giác nôn nao khó tả. Chúng tôi hình dung đến một ngày toàn thắng náo
nức, mọi người được tự do đi lại trên chính mảnh cha ông từng dày công khai phá
mà sướng vui vô cùng, thì có tin về Hiệp định đình chiến. Trên có thông báo
xuống cho các đơn vị phải dừng mọi hoạt động tấn công của ta vào đối phương.
Hòa bình được lập
lại? Có phải kẻ địch đã đầu hàng? Rất nhiều tâm trạng: vui mừng xen lẫn sự lo
lắng và nghi ngờ, thắc mắc. Sao không cho đánh bứt một trận giành luôn chánh
quyền?... Rồi việc Cao Lãnh được chọn làm điểm tập kết chuyển quân ra Bắc trong
vòng 100 ngày lại khiến cho nhiều đồng chí, anh em du kích và quần chúng nhân
dân tiếp tục bàn tán xôn xao.
Nhưng đã có lệnh của
trên thì phải chấp hành và phải chấp hành một cách nghiêm chỉnh. Lúc bấy giờ, ở
địa bàn huyện Cao Lãnh đồng chí Mai Xuân Quảng đương là Tỉnh uỷ viên, Bí thư
Huyện ủy, tôi được đề cử làm Phó Bí thư phụ trách 5 xã, kiêm Chánh trị viên mặt
trận.
Theo sự chỉ đạo của
trên, Uỷ ban Quân quản đặc trách vấn đề tiếp quản
quận lỵ Cao Lãnh và tập kết chuyển quân được thành lập có sự tham gia chỉ đạo
của Tỉnh ủy Long Châu Sa. Tỉnh Long Châu Sa bố trí hai bộ phận: một bộ phận lo
chỉ đạo tập kết bộ đội, một bộ phận lo chỉ đạo chuyển hướng công tác. Việc bàn
giao tiếp quản quận lỵ Cao Lãnh diễn ra trong hai ngày 15 và 16/8/1954. Phía
Pháp bàn giao quân lỵ và rút toàn bộ lực lượng quân sự, viên chức hành chánh ra
khỏi địa bàn tập kết, đa số chuyển về Sa Đéc. Uỷ ban Quân quản khi tiếp quản
quận lỵ đã phổ biến ngay chánh sách về tôn giáo, chánh sách vùng mới giải phóng
và 10 điều kỷ luật đối với nhân viên cán bộ chiến sĩ khi vào tiếp quản, đồng
thời lo bố trí chỗ ăn nghỉ, bảo vệ các đơn vị từ các nơi tập kết về chờ ngày
chuyển quân ra Bắc.
Những
ngày nửa cuối tháng 8, vùng tập kết Cao Lãnh bắt đầu tiếp nhận đoàn bộ đội tập
kết từ các nơi dồn dập chuyển về, được bố trí ở nhà nhân dân các xã Hoà An, Mỹ
Trà, Mỹ Ngãi, Tân Thuận Tây, Tịnh Thới, An Bình, Mỹ Thọ…. Bộ đội ở trong nhà
dân thực hiện Ba cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, giúp dân sản xuất, hướng dẫn
cách giữ gìn vệ sinh phòng bệnh, dạy bổ túc văn hoá, sinh hoạt ca múa những bài
ca cách mạng… Từ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, Cao Lãnh dần hình thành nếp
sống mới. Hình ảnh người cán bộ Việt minh, “anh bộ đội Cụ Hồ” trở nên thân
thương, tin yêu trong mọi gia đình nơi tập kết cũng như những người đến thăm
viếng, tiễn đưa thân nhân đi tập kết, tạo niềm tin và sức mạnh đấu tranh chống
địch sau này. Cùng trong thời gian này, Tỉnh uỷ chỉ đạo cho chuyển bộ đội địa
phương các huyện và bộ đội tỉnh về khu căn cứ Đồng Tháp Mười. Tại đây, Ban Tập
kết quân – dân – chánh tỉnh lãnh đạo học tập, dựa vào tiêu chuẩn, mục đích tập
kết do Khu hướng dẫn để sắp xếp số đi, số ở lại theo tinh thần khẩu hiệu lúc
này: “Đi là nghĩa vụ, ở là vinh quang”.
Huyện ủy
Cao Lãnh bấy giờ cũng có rất nhiều công việc phải giải quyết. Một trong những
việc rất khó giải quyết là công tác về tư tưởng trong nội bộ và quần chúng nhân
dân. Nhiều người băn khoăn lo lắng rằng sau khi bộ đội, chánh quyền của ta rút
đi, vùng giải phóng giao về tay địch, nhân dân không được cầm súng, trong khi
đó quân đội, chánh quyền địch được tăng cường từ miền Bắc vào, như vậy ta ở thế
yếu, còn địch thì nhất định sẽ thẳng tay đàn áp, cướp bóc, chúng sẽ không bỏ
qua những người trước đây tham gia hoặc ủng hộ kháng chiến. Quần chúng nhân
dân, nhất là bần cố nông thật sự lo lắng; miếng ruộng cách mạng cấp cho họ rồi
sẽ bị địa chủ đòi lại, sẽ áp bức, bóc lột như cũ. Nhưng mọi việc rồi cũng dần
được xử lý nhờ vào Chỉ thị kịp thời của Tỉnh hướng dẫn các mặt công tác cụ thể
nhằm giải quyết tư tưởng nội bộ, giáo dục nhân dân và chuyển hướng cơ sở.
Đương lúc
như vậy thì một chiều, anh Mai Xuân Quảng đi họp trên tỉnh về, gọi tôi lên nói
là có chuyện quan trọng cần bàn. Gặp tôi, anh nói liền: “Đồng chí tranh thủ thu
xếp mọi thứ để xuống Cà Mau học chính trị. Đảng cử đồng chí đi học để về thay
tôi làm Bí thư!”. Thay anh Quảng làm Bí thư? Chuyện này quả khá bất ngờ với
tôi. Tôi không nghĩ mình lại được đề đạt mau chóng như vậy, nhưng đây là chuyện
của tổ chức phân công, tôi không hỏi gì thêm, tranh thủ về nhà thăm má một lát
rồi gom theo vài bộ quần áo chuẩn bị lên đường.
Đường từ
Cao Lãnh xuống Cà Mau rất xa, phải qua nhiều chặng, nhiều đầu mối cơ sở, nhưng
bởi còn trong thời hạn đình chiến nên cả hai chuyến đi về của tôi cũng không có
gì đến nỗi trắc trở. Ở Cà Mau gần 3 tháng tôi được bố trí theo học một lớp
chính trị; học về chủ trương đường lối của Đảng, học về chủ nghĩa Mác- Lê nin…
Nói thiệt tình, nào giờ đi hoạt động cách mạng, Đảng phân công gì làm nấy, cố
gắng hết sức, chớ có biết gì về chủ nghĩa Mác Lê nin đâu; giờ mới bắt đầu học,
thấy khó quá! Thì lại phải cố gắng, cố gắng tiếp thu. Rồi thì cũng xong, tôi ít
nhiều có thêm số kiến thức mới về vận dụng cho công tác sau này.
T.Q (còn
tiếp)
|
|