|
Những năm đầu, do bom đạn của Mỹ còn dồi
dào, với mục đích đánh phủ đầu nhằm đè bẹp ý chí chiến đấu của quân và dân ta,
đồng thời để đánh “gãy xương sống Việt cộng”, nên mỗi đợt đánh bom của B52 kéo
dài thời gian và số lượng nhiều gần gấp đôi so với lúc Mỹ chuẩn bị cuốn cờ về
nước. Ở tỉnh Kiến Phong (nay là Đồng Tháp) pháo đài bay B52 đã đánh hầu hết các
con kinh trong vùng giải phóng như: kinh Nhứt, kinh Nhì, kinh Ba, kinh Tư, kinh
Cái Bèo, kinh Nguyễn Văn Tiếp A và B, kinh Hội đồng Tường, kinh phèn… nhưng
chưa lần nào chúng đánh Đoàn văn công. Có mấy lần B52 đánh trong bờ kinh, chúng
tôi ở ngoài đồng cách vài trăm mét nên không hề gì. Đến mùa nước năm 1972 chúng
mới “bừa” trúng Đoàn văn công ở kinh Nước Mắm, xã Long Hiệp.
Hôm ấy khoảng bốn giờ sáng, như thường
lệ, mọi người trong đoàn thức dậy chuẩn bị và cơm nước để năm giờ ra công sự
“phòng động”. Anh Sáu Minh, Thanh Trí, Tùng Sơn, Thành Nguyên… đi nhổ câu cặm,
hái rau để cải thiện bữa ăn. Thu Nguyệt đến nhà bếp vo gạo, nhóm lửa nấu cơm.
Anh Văn Sáu, tôi và mấy anh em khác lo giấu nhạc cụ và đồ đạc. Mọi người đang tập
trung làm việc bỗng nghe tiếng máy bay âm vang nặng trịch từ xa. Tùng Sơn ở
ngoài đồng la lớn: “B52 bừa!”. Tiếp theo là hàng loạt tiếng rít như gió gào,
bão thét từ không trung vọng xuống, cùng những tiếng nổ rung chuyển đất trời.
Lúc nầy tôi cách công sự khoảng hai mét, nhưng không thể nào chạy đến đó được.
Sức nổ của hàng loạt quả bom tạo áp lực xô đẩy, người tôi như bị treo lơ lửng,
té tới, ngã lui không thể đứng vững. Loạt bom đầu ba chiếc B52 “bừa” đúng ngay
căn cứ, chúng tôi lọt thỏm vào vùng trọng điểm. Dứt loạt bom, vài phút sau lại
một trận cuồng phong khác ập đến. Tôi bò nhanh vào công sự chữ A trong lúc bốn
phía vang lên tiếng ầm ầm của đất, cây và nước bị bom nổ tung lên trời bây giờ
đang rơi xuống, cùng với tiếng nước tràn vào hố bom đìa như vỡ đập… tạo nên âm
thanh khủng khiếp. Mấy phút sau, tiếng động vừa dứt tôi thoát nhanh ra khỏi
công sự, chạy tìm các đồng chí trong đoàn. Trong làn khói đen và những hố bom
nham nhở không còn lối đi, tôi cố gắng vừa chạy, vừa bò đến nhà bếp cách đó khoảng
mười mét. Nhà bếp của đoàn là một cái trại nhỏ lợp lá, núp dưới hàng gáo cặp bờ
mương đã bay mất không còn dấu vết. Bên cạnh là một hố bom đìa còn bốc khói và
nước đang chảy ào ào vào. Tôi kêu lớn: “Nguyệt ơi, em ở đâu?”. Lát sau nghe trả
lời văng vẳng dưới con mương, cạnh gốc gáo trơ trụi lá và thân cây đã gãy đổ:
“Em ở đây nè” - Thu Nguyệt lên tiếng! Tôi mừng quá chạy đến bờ mương nắm tay em
kéo lên và hỏi: “Em có bị thương không?”. “Chưa biết! Vì bom hất tung em văng
xuống đây, bị trúng nhiều chỗ trong người đau điếng, nhưng không biết đó là
cây, đất hay miểng bom” - Thu Nguyệt trả lời! Tôi bảo Thu Nguyệt cử động tay
chân và xem đầu cổ có máu không? Sơ bộ thấy không có gì, tôi tiếp tục lao đến
công sự cách nhà bếp khoảng sáu, bảy mét để tìm anh em khác. Đến nơi, công sự
đã sập. Tôi kêu lớn: “Anh Sáu Minh, Tùng Sơn, Thành Nguyên ơi!”. Ở ngoài đồng
anh em lần lượt trả lời: “Tao đây nè”! “Có ai trong công sự này không?” - Tôi hỏi.
“Không”, anh em trả lời. Vậy là mừng rồi! Ở bờ kinh Nước Mắm anh Văn Sáu cũng đang
tìm anh em ngoài đó. Khi tập họp đủ lực lượng chỉ có ba người là Tùng Sơn,
Thanh Nguyên, Thanh Tri bị sức ép của bom ra máu lỗ tai và lỗ mũi, còn lại mọi
người đều bình an. Tất cả nhà, trại đều đổ sập hoặc bay mất, đồ đạc hư rất nhiều,
công sự sập gần hết, ba chiếc xuồng thì bể hết hai, còn một chiếc cũng bị hư
nhưng tạm sử dụng được. Chúng tôi khẩn trương gom đồ đạc còn lại chất lên chiếc
xuồng nầy. Khoảng mười lăm phút, sau trận đánh bom đầu tiên, B52 “bừa” tiếp đợt
hai. Lần này chúng đánh ở kinh Đào cách nơi đây khoảng năm trăm mét theo đường
chim bay. Chúng tôi hội ý nhanh và quyết định lôi đến bờ kinh Nguyễn Văn Tiếp B
để tránh trực thăng đổ quân, vì theo quy luật, sau khi B52 “bừa” quân bộ sẽ đổ
xuống đây bằng trực thăng để tàn sát những gì còn lại.
Đến
kinh Nguyễn Văn Tiếp B, cả đoàn phân tán mỏng ở trong những lùm chuối chưa ngập
nước. Đến trưa, anh em du kích từ Thanh Mỹ bơi xuồng đến bảo là bọn Sư đoàn 7 ngụy
đang hành quân thẳng đến đây. Nơi chúng tôi đang tạm trú, bên kia dòng kinh là
địa bàn của tỉnh Định Tường (nay là Tiền Giang), một cánh quân của Sư đoàn 7
đang chốt ở đó. Phía bên trái là đồn cống Trâm Bầu, bên phải là cánh quân của
Sư đoàn 7 đang càn đến đây mà du kích vừa báo. Chỉ còn duy nhứt một hướng không
có giặc là trở lại căn cứ lúc bị B52 “bừa” buổi sáng. Vậy là chúng tôi quyết định
quay lại hướng đó. Trong đoàn đi lúc nầy không chỉ riêng Đoàn văn công, mà còn
có một số đồng chí dân y huyện Mỹ An. Chúng tôi lội dưới đồng nước, kéo theo ba
chiếc xuồng chở đồ đạc và hai thương binh nặng không đi được. Ra đến giữa đồng
nước cỏ lác lưa thưa, đồng chí Tùng Sơn đi trước báo với đoàn: “Phía trước, bên
phải trong liếp tràm, cách ta khoảng một trăm mét có lính”. Thành Nguyên không
tin nên leo lên sạp xuồng, đứng trên cao để nhìn cho rõ. Sau khi quan sát,
Thành Nguyên cãi với Tùng Sơn: “Không phải lính, mà đó là bộ đội của ta”. Hai
người đang cãi nhau, tôi leo lên xuồng nhìn về hướng đó. Sau khi quan sát kỹ
tôi báo với anh Văn Sáu - Trưởng đoàn: “Đây chắc chắn là bọn Sư đoàn 7, mà du
kích phát hiện khi nãy. Đề nghị anh cho rút về hướng đồn cống Trâm Bầu, sau đó
lách qua căn cứ của Ban Dân y tỉnh”. Vì sao tôi khẳng định như vậy? Bởi theo
kinh nghiệm của tôi, bọn lính đang hành quân hàng dọc lại chuyển sang hàng
ngang, chứng tỏ chúng đã phát hiện được ta nên dàn đội hình chuẩn bị chiến đấu,
nếu bộ đội thì không làm như vậy. Hơn nữa, nhìn trên đầu chúng đội nón sắt, nên
giữa trưa nắng mặt trời chiếu vào hắt ánh sáng lấp lánh, bộ đội ta đội nón vải
không thể phản quang được. Bỗng hàng loạt M79 bắn tốc, tốc, tốc về phía chúng
tôi. Đạn nổ phía trước, sau lưng, bên phải, bên trái, nước văng tung tóe. Lúc
này mọi người mạnh ai nấy chạy. Mấy chiếc xuồng kéo theo bị vướng cỏ lác, nên
phải bỏ lại, trong đó có hai chiếc xuồng chở thương binh nặng của Ban Dân y huyện
và một chiếc xuồng chở đồ của Đoàn văn công. Đạn M79 vẫn liên tục nổ như vãi trấu,
một trái trúng vào đồng chí thương binh đang chạy phía trước tôi (thương binh nầy
không nặng lắm nên còn chạy được). Trái M79 xé toạc một mảng thịt ở mông đít, đồng
chí quay vòng tròn, máu loang đỏ mặt nước. Tôi nhào tới, xốc đồng chí bị thương
kè đi. Chạy thêm một đoạn, chúng tôi tách ra mỗi nhóm ba, bốn người. Đến một
con rộc đầy lục bình phía trước, tôi giao đồng chí thương binh cho Tùng Sơn, để
vượt lên vẹt lục bình cho mọi người lội qua. Vừa thoát khỏi rộc lục bình, bỗng
một tiếng nỗ chát chúa bên phải, cách sau lưng tôi gần một mét. Tôi quay lại,
thấy Thu Nguyệt đang quay tròn như đồng chí thương binh lúc nãy; cái nón tai
bèo đang đội đã văng xuống nước, quai còn vướng lòng thòng ở cổ, máu từ trên đầu
đang chảy xuống mặt. Tôi quay lại xốc Thu Nguyệt lên hỏi: “Em bị thương nặng
không?”. Thu Nguyệt nói: “Không biết, nhưng một tay của em không còn cử động được”.
Tôi vừa kè Thu Nguyệt chạy vừa xem xét vết thương. Cánh tay không thấy bị gãy,
trên đầu đứt một lọn tóc, máu chảy ròng ròng nhưng Thu Nguyệt vẫn tỉnh táo. Cái
nón tai bèo vướng ở cổ bị miểng đạn rách xơ xác. Chạy đến một giặng cây ở bờ liếp,
cách xa bọn giặc hơn hai trăm mét chúng tôi dừng lại. Sau khi xem xét kỹ các vết
thương, trên đầu Thu Nguyệt bị nhiều vết thương làm rách da nhưng miểng đạn
không đâm lủng sọ, vậy là yên tâm. Một miểng đạn khác cắm sâu vào nơi gọi là
“hang cua” gần trên cổ, nên cánh tay không cử động được. Tôi xé khăn băng vết
thương nầy. Đồng chí thương binh (chưa biết tên) bị trái M79 nổ ngay ở mông đạn
khoét một mảng lớn, anh em Dân y huyện băng bó cho đồng chí. Sau đó, chúng tôi
dìu nhau lội đến căn cứ Ban Dân y tỉnh.
Ban Dân
y tỉnh Kiến Phong (nay là Đồng Tháp) ở trong một lùm chuối trên bờ kinh Bà Phủ.
Một cánh quân khác của giặc đang ở ngoài đồng cách căn cứ nầy chừng vài trăm
mét. Trên trời máy bay trực thăng quần đảo bắn hỏa tiễn và đại liên dọc bờ
kinh. Chúng tôi nép vào các công sự của Ban Dân y. Bên cạnh đó, một kíp mổ do
bác sĩ Sáu Lợi, trưởng Ban Dân y chủ trì, cùng các y sĩ, y tá đang khẩn trương
mổ cấp cứu anh Hoàng Thiện vì sáng nay trực thăng bắn anh bị thương rất nặng, nếu
không mổ ngay thì anh sẽ chết. Tôi rất khâm phục sự dũng cảm và tinh thần trách
nhiệm cao của kíp mổ vì trong khi chúng tôi đang núp trong công sự, thì các đồng
chí Dân y vẫn ngồi phơi lưng tập trung việc cứu chữa thương binh quên cả mạng sống
của mình, bất chấp trên đầu trực thăng đang bắn phá, ngoài đồng bộ binh sắp đánh
vào.
Trong
lúc ngồi chờ, nghe cánh tay mình nhói đau và có vết máu thấm ướt áo, tôi tưởng
bị đỉa cắn nên vạch ra xem. Đây không phải đỉa, mà là một miểng đạn trổ ngang
cánh tay, xuyên phần mềm. Nãy giờ do tập trung lo vết thương của Thu Nguyệt nên
tôi không để ý. Anh em xé áo băng cánh tay cho tôi. Sau khi xử lý xong vết
thương của anh Hoàng Thiện, các đồng chí y, bác sĩ Ban Dân y đến xử lý các vết
thương của đồng chí thương binh và chúng tôi. Tối hôm đó, bọn Sư đoàn 7 và máy
bay rút đi, tôi và Thu Nguyệt nằm lại đây điều trị một thời gian, rồi trở về
đơn vị.
Qua
trận càn Đoàn văn công họp rút kinh nghiệm:
Thứ
nhứt, ta bị B52 đánh ngay căn cứ có thể do việc ăn ở bị lộ để giặc phát hiện. Sắp
tới cần nâng cao ý thức phòng gian, bảo mật hơn nữa. Thứ hai, việc Sư đoàn 7
đánh ta bất ngờ làm bị thương hai người của Đoàn văn công, bị thương một và chết
hai thương binh (hai thương binh nầy đã bị thương rất nặng trước đó, nên nằm
trên xuồng không chạy được) của Dân y huyện Mỹ An, là nhờ may mắn và giặc thiếu
kinh nghiệm. Nếu hôm ấy bọn Sư đoàn 7 tập trung đạn bắn thẳng (đại liên, trung
liên, M16, không phải toàn là M79) thì chắc chắn ta bị thương vong nhiều hơn, bởi
miểng đạn B79 rất nhỏ và nhẹ, khi bắn xuống đồng nước bị lực cản của nước và
cây cỏ làm hạn chế tác dụng hơn bắn trên khô rất nhiều, trừ trường hợp trái đạn
trúng vào người. Đã là người trong cuộc chúng tôi mới hiểu điều đó.
Qua
trận B52 “bừa” tôi ngẫm lại rất tâm đắc câu nói của người xưa: “Có ở trong chăn
mới biết chăn có rận”. Muốn hiểu rõ sự việc phải kinh qua thực tế. Con “ngáo ộp”
B52, nếu chỉ nghe và nhìn thấy bề ngoài thì nó khủng khiếp thật. Nhưng khi đã nếm
trải, mới thấy rõ những nhược điểm của nó. Đó là do bay ở độ quá cao nên khi
ném bom không thể rải đều như sạ lúa được, mà vẫn còn những khoảng trống. Nếu
ta ở đúng vào những khoảng trống ấy thì cũng khó chết. Và, với độ cao gần chục
cây số bom sẽ cắm rất sâu vào lòng đất, khi nổ đất và cây tung lên nhiều hơn miểng
bom, nên sát thương hạn chế. Bằng chứng là, hàng chục người của Đoàn văn công bị
lọt thỏm vào vùng trọng điểm của B52, nhưng nó vẫn không giết được chúng tôi.
Thực tế đó chứng minh rằng, không có gì là tuyệt đối!
Nhớ
những năm Mỹ mới đổ quân vào miền Nam, tôi nghe anh em bộ đội kể lại, có không
ít người băn khoăn hỏi: “Đánh Mỹ bằng cách nào?”. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bảo:
“Chúng ta cứ đánh, rồi sẽ tìm ra cách đánh”. Sau khi đánh Mỹ ở một số trận, qua
thực tế Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ ra rằng: “Nắm thắt lưng địch mà đánh!”, bởi
hỏa lực của Mỹ rất mạnh, nhất là phi pháo. Nếu ta đánh “giáp lá cà” thì sẽ vô
hiệu hóa được sức mạnh nầy của chúng. Với cách đánh sáng tạo độc đáo đó làm cho
Mỹ phải chịu thua, mặc dù so sánh tiềm lực của hai bên, thì chúng mạnh hơn ta gấp
nhiều lần. Bài học “hãy luôn sâu sát thực tế” vẫn còn nguyên giá trị đối với
tôi cho đến hôm nay.
THANH TÙNG
|
|