|
Sinh ra tại Mỹ Trà, Sa Đéc (Cao Lãnh
ngày nay). Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, từng là học viên của Trường Sĩ
quan Lục quân Trần Quốc Tuấn danh giá ở Khu 9, lên miền Đông gian khổ. Là Chánh
văn phòng Thành ủy thành
phố Hồ Chí Minh trước khi về hưu, là người góp phần đưa đề án thành lập các khu
chế xuất ở Thành phố trở thành hiện thực. Ông là em của Cố nhạc sĩ, liệt sĩ Thanh Nha, em của nguyên
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - Nguyễn Thanh Phong, là chồng của đạo diễn, nghệ
sĩ ưu tú Ca Lê Hồng (em ruột nhạc sĩ Ca Lê Thuần, chị ruột nhà thơ, liệt sĩ nổi
tiếng Lê Anh Xuân…).
Sau khi đọc xong gần 600 trang tập Hồi
kí này, nhà văn Trầm Hương đã viết: Cuộc đời hơn tám mươi năm của ông được tích
tụ bằng tầng tầng lớp lớp phù sa. Dưới tầng tầng lớp lớp phù sa ấy là ngọc, có
những viên sỏi lấp lánh, đa chiều; cả những hòn đá rắn rỏi, thô mộc. Lịch sử
được viết hồn nhiên bởi người lính sẵn sàng nghe theo tiếng gọi của sông núi,
không sợ hy sinh, gian khổ lao vào cuộc chiến đấu khi Tổ quốc gọi và thanh thản
trở về làm một con người bình thường nhưng được là mình, sống hết mình, không
hối tiếc.
Bắt đầu từ số báo ngày 05/11/2018
Ban biên tập Báo VNĐT xin giới thiệu một số chương trong tập Hồi kí Khi
Tổ quốc gọi của tác giả Trần Long Trảo, người con của quê hương Đồng Tháp
để bạn đọc cùng thưởng thức.
TẬP MỘT LỚN LÊN TRONG BÃO TÁP
PHẦN THỨ NHẤT
TUỔI TRẺ TỪ ĐỒNG THÁP MƯỜI ĐẾN THÀNH PHỐ MANG TÊN BÁC
HỒ
1 - PHIÊN TẶC VÀ CÁI XÓM NHỎ YÊN
BÌNH
Mỗi một con người ai lại không có một quê
hương, cho dù đó là một vùng đất nghèo nàn cằn cỗi, hoặc giả một vùng phù sa
trù phú sung túc thì nơi đó vẫn mãi mãi là đáng nhớ đáng yêu, đi đông nhớ mà đi
tây cũng nhớ, lúc trẻ nhớ mà cho đến ngày sắp nhắm mắt xuôi tay thì vẫn ước ao
được trở về vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất quê hương, bên cạnh những người
thân yêu ruột thịt. Mỗi một con người ai lại không có một tuổi thơ, một tuổi thơ với đủ trò
phá khuấy nghịch ngợm, nơi thành thị thì nghịch phá theo kiểu thành thị, vùng
nông thôn thì nghịch phá theo kiểu nông thôn, nhưng đều là những kỷ niệm mang
theo suốt cả cuộc đời, mỗi khi nhớ đến lại cảm thấy luyến tiếc cho một thời thơ
ấu đã qua mà không bao giờ trở lại.
Nói về quê quán thì tôi là một cư dân của xã Mỹ Trà, huyện Cao Lãnh, tỉnh
Sa Đéc, nay là tỉnh Đồng Tháp. Từ khi sinh ra cho đến khi thoát ly gia đình,
tuy có lúc đi nơi này nơi khác, nhưng chủ yếu vẫn là cuộc sống nơi quê hương.
Cho nên đối với quê hương, tôi có nhiều ghi nhớ và kỷ niệm không bao giờ quên.
Nhưng có điểm đặc biệt là hình ảnh mà tôi còn lưu lại trong trí nhớ khi bắt đầu
biết nhận thức lại không phải là cảnh vật của quê hương Cao Lãnh, mà là vùng đất
mới mở Cà Mau ở tận cùng phía Nam đất nước, nơi cha mẹ tôi từng tha
phương đến đây làm ăn sinh sống mà một thời có thể được xem như quê hương thứ
hai: đó là cảnh mọi người xúm lại chọn lựa cá tôm mỗi khi có một ghe lưới vừa cập
bến; đó là hình ảnh của Đất Mũi với những
giàn lưới bay tung trước gió; đó là một đêm mưa bão trên một dòng sông rộng,
tôi và cha mẹ ở trên một chiếc thuyền con bị một cơn gió mạnh thổi quay ngược mũi
thuyền buộc cha tôi phải dầm
mưa ra chống ngược trở lại. Và đó cũng chính là những bước khởi đầu tuổi thơ của
tôi, một tuổi thơ không mấy đủ đầy khi cuộc mưu sinh của cha mẹ đang trong hồi chật vật ở chốn quê nhà, hai vợ chồng phải cùng đứa con
nhỏ (là tôi), trên một mảnh thuyền con đơn chiếc, ra sức chống chèo qua không
biết bao nhiêu là sông to, rạch nhỏ với độ dài ngót nghét ba trăm cây số mới tới
được miền đất hứa Cà Mau. Mà Cà Mau thuở ấy đúng là miền đất hứa bởi mọi sản vật đều quá đỗi dồi dào, dân cư lại thưa
thớt, “làm chơi ăn thiệt”. Như trong câu chuyện kể trên về cảnh mọi người xúm lại
chọn lựa cá tôm mỗi khi có chuyến ghe lưới trở về, thì đã trở thành thông lệ,
ai cũng hiểu rằng trừ tôm để làm tôm khô, còn lại thì tha hồ, ai muốn hốt bao
nhiêu cua cá về nhà đều tùy ý. Cũng như câu chuyện về các ghe ra khơi đi lưới
đánh bắt cá gộc thì chỉ xẻ lấy phần bong bóng đem phơi khô làm món đặc sản đắt
tiền là “bóng cá đường”, phần còn lại thì vứt xuống biển cho nhẹ ghe để đánh bắt
được nhiều hơn, bán được khá hơn; chỉ khi nào thất bát lắm mới chọn những con
to nhất xẻ làm “khô cá gộc” mong gỡ gạc được chút ít sở hụi. Và còn vô số cơ hội
mà ở đây người ta có thể dễ dàng kiếm sống như: tìm mật ong, bắt cá đồng, bẫy
thú rừng, săn cá sấu, vào rừng hầm than đốn củi v.v và v.v. Cho nên mãi đến khi
tôi lớn khôn thì Cà Mau, mà chủ yếu là Năm Căn và Đất Mũi, vẫn là chốn đi về
làm ăn của cha mẹ tôi.
Tuy nhiên cuộc sống dựa vào miền đất hứa thuở ấy cũng không hề khấm khá
vì phải nuôi cả một bầy con và lúc nào cũng phải chắt mót lo đủ tiền để trả nợ.
Để rồi mấy mươi năm sau, trong một dịp trở lại vùng đất đong đầy kỷ niệm này,
tôi đã chạnh lòng đặt mấy câu thơ:
Năm Căn đến Mũi sông sao rộng/ Một chiếc thuyền con cha chống chèo
Sóng cả gió to rồi cũng lặng/ Mà cuộc đời cha sao cứ mãi gieo neo...
Tại quê hương, từ ngày có vợ có chồng, cha mẹ tôi không thể
cất nổi một căn nhà riêng mà cứ phải đi ở nhờ: thời gian làm ruộng trong Đồng
Tháp Mười thì ở nhờ nhà bác Ba Vẹn tại Mỹ Quý, hết làm ruộng trở về Cao Lãnh
làm ăn thì đến ở nhờ nhà ông bà ngoại tại xã Hòa An, được mấy năm thì về tá túc
trong nhà ông bà nội cho đến khi tản cư vào Mỹ Quý cuối năm 1946. Chuyện ở nhờ
nhà bác Ba Vẹn và nhà ông bà ngoại là do tôi nghe người lớn kể lại chớ tôi không hề biết vì khi ấy
tôi còn rất nhỏ, nhưng những gì đã xảy ra trong thời gian ở nhờ nhà ông bà nội thì tôi nhớ rất rõ, bởi đó đều
là những kỷ niệm của một thời thơ ấu đầy hạnh phúc trong một gia đình thuận thảo,
được sống hòa quyện với thiên nhiên vùng đồng bằng sông Cửu Long phì nhiêu, và
cũng là một tuổi thơ với đủ đầy các chiêu trò nghịch phá.
Nhà ông bà nội ở xã Mỹ
Trà, cách chợ Cao Lãnh khoảng bảy, tám trăm mét, nằm sát bờ sông Cao Lãnh. Đó
là một ngôi nhà ngói ba gian, vách ván, có những gốc cột to bằng gõ mật lâu năm
lên nước bóng đen mun, phía trước có hàng ba với song chắn bằng gỗ. Đặc biệt
cũng giống như nhà cửa của những người khá giả thời bấy giờ, trên là vách gỗ,
bên dưới có âm hai tấm gỗ căm xe thật dày nhằm chống đám bất hảo khoét vách đào
ngạch. Quả thật là có một lần mấy thằng ăn trộm đến đào một lỗ to bằng cái
thúng trên nền đất, sau đó chui xuống dùng khoan tay khoan nhiều lỗ theo hình
vòng tròn trên tấm ván căm xe nhằm tạo thành một cái lỗ lớn để chui vào. Nhưng
có lẽ vì tấm gỗ quá dày và quá cứng, liệu bề làm không kịp trước khi trời sáng
nên chúng đành bỏ cuộc mà trong nhà cũng không hề hay biết. Mãi sáng sớm hôm
sau mới phát hiện khiến cả nhà không khỏi giật mình, nhưng cũng thật là may!
Nghe kể chuyện vui là có lần một ông bá hộ biết nhà mình đang bị đào ngạch nên
ngồi rình, khi thấy thằng ăn trộm vừa trồi đầu lên là ông dùng cây chĩa đâm cho
một nhát nghe cái “bụp”, miệng hô “chết mày chưa!”, tưởng là toi mạng kẻ bất
lương, nào ngờ bên ngoài có tiếng nói “xí hụt!” rồi cười ha hả. Té ra ông đã bị
nó đánh lừa vì đó chỉ là cái nồi đất.
Bên cạnh nhà có con kênh đào rộng chừng sáu, bảy mét, sâu
khoảng ba mét, bắt đầu từ sông Cao Lãnh ăn ra đến đường lộ, chúng tôi quen gọi
đó là con mương. Tôi bắt đầu tập và biết bơi tại con mương này khi tôi được
khoảng sáu, bảy tuổi. Ban đầu tôi ôm cây chuối tập đạp chân đẩy cây chuối đi,
về sau lấy hai trái dừa khô cột vào nhau để dưới ngực, hai tay bơi như bơi
xuồng, còn hai chân vẫn đạp như khi bơi theo cây chuối. Khi đã quen tay quen
chân thì đẩy trái dừa ra khỏi ngực, bơi không. Ban đầu chưa quen bị sặc nước
thì phải mau mau ôm lại trái dừa cho khỏi chìm. Cứ như vậy mà tập dần cho đến
lúc có thể bơi từ bên này qua bên kia con mương. Về sau do bơi tới bơi lui
nhiều lần mà trở thành bơi giỏi. Vì ở vùng sông nước, đám bạn nhỏ thường thách
nhau bơi đua nên sau này khi vào bộ đội tôi có thể bơi đi bơi lại cả cây số,
cũng không bao giờ phải e sợ khi qua sông, qua suối.
Cũng tại con mương này, mỗi khi nước kém, chú Tư Cận là con của ông Hai
Lịnh thường bỏ mồi dụ cho lũ cá ngoài sông cái vào ăn, rồi dùng đăng chặn cửa
mương lại, chờ nước ròng cạn nước thì tha hồ xuống bắt cá. Những lúc đó tôi lại
có dịp xách thùng xuống bắt hôi, có khi cũng đủ cho một bữa ăn; nhưng cũng có
lần thọc tay xuống lườn ghe mò cá mà bị cá trê trắng đâm đau nhức hành đến phát
sốt.
Bến
sông trước nhà chúng tôi là bến tắm “tập thể”. Cứ chiều chiều, trong cả xóm có
ai muốn tắm sông thì cứ ra đó mà tắm, bất kỳ già trẻ, kể cả các bà chị gái sắp
đi lấy chồng, tướng tá lớn xộn cũng cùng ra tắm chung, cười giỡn rân trời. Mỗi
lúc có chuyến tàu chạy qua là vui nhất, ai cũng thích nhồi sóng và ai cũng bị
sóng nhồi, có lúc nước vô lỗ mũi sặc sụa nhưng vẫn cứ ước có chuyến tàu nữa
chạy qua vì họa hoằn mới có. Còn có nhiều trò vui khác như lặn xuống bắt bung
bung chang chang, cũng thường gọi là con chem chép, ném thia lia ra ngoài xa,
hoặc nghịch ngợm hơn nữa là lặn xuống móc bùn ném nhau la chí chóe... Riêng tôi
lại suýt bị chết đuối tại bến sông này. Số là khi tôi mới năm sáu tuổi, chưa
biết bơi, trong lúc mọi người đang tắm thì tôi lại liều lĩnh đu theo sợi dây
đỏi cột chằng sau lái chiếc thuyền to đang đậu ngoài xa hòng leo lên thuyền
chơi. Nào dè khi gần đến nơi bị đuối sức nên tuột tay rơi thẳng xuống nước,
chìm tận đáy sông. Lúc này nhìn xung quanh toàn thấy một màu vàng, không biết
đâu là bờ, mà càng lúc càng ngợp thở. May thay lúc đó tôi chợt nhớ ra là hướng
dốc lên tức là hướng lên bờ, nên tôi cứ mò theo hướng đó mà bươn lên cho đến
khi trồi đầu lên khỏi mặt nước thì mới chắc là thoát chết, bởi vì lúc đó đã
muốn hụt hơi rồi. Tôi cố trườn lên bờ rồi nằm sải tay sải chân thở một mình chớ
không dám nói với ông già cũng đang tắm gần đó vì sợ bị đòn. Sau này nhân một
lần nghe má kể chuyện thì mới biết đây là lần thứ hai tôi thoát chết chìm. Số
là khi tôi mới hai, ba tuổi gì đó, má từ Cái Nhút bơi xuồng ra chợ Cà Mau, có
chở tôi theo chớ để ở nhà thì không ai trông coi. Đến nơi bà lên trên chợ, để
tôi ngồi dưới xuồng một mình. Đi chợ mua các thứ xong quay trở xuống thì thấy
quần áo, đầu cổ tôi ướt nhem, lấy làm lạ bà quay sang hỏi người đàn bà trên
xuồng bên cạnh, được bà ta cho biết rằng lúc nãy đang ngồi, bà nghe tiếng cái
gì rơi xuống nước cái “chủm”, quay mặt lại thấy tôi đang loi ngoi chưa kịp
chìm, bà với tay nắm cổ tôi bỏ lên xuồng cho ngồi đó. Thật hú hồn, và tất nhiên
má tôi đã hết lòng cảm ơn người đàn bà đó trước khi bơi xuồng đi.
Cũng giống một số nơi khác
dọc theo sông Cao Lãnh, tại bến sông này cũng có một chiếc bè tre rất lớn. Gọi
là bè vì nó được ghép bằng nhiều cốn tre mà người ta dùng để kè những súc gỗ to
từ Campuchia thả về theo sông Mê Kông, nó chẳng khác gì những ngôi nhà nổi kiên
cố trên sông. Những đêm trăng thanh, anh Ba Thanh Nha nhà tôi thường cùng hai
anh khác mà tôi vẫn nhớ rõ tên là anh Năm Phàn (sau này vô kháng chiến lấy tên là anh Sáu
Chung, Huyện đội trưởng huyện Cao Lãnh), anh Toàn (lúc đó kêu theo tiếng
Tàu là anh Sùn, sau này làm Trưởng đoàn Văn công Ngũ Yến thời kháng chiến chống
Pháp) lên trên bè tre ngồi đờn ca tài tử. Đôi khi cũng có một số
người ái mộ đến ngồi nghe hoặc ca hòa theo đờn. Anh Ba Thanh Nha chuyên đờn kìm
còn hai anh kia thì thay nhau đờn gáo và đờn tranh, anh nào đờn cũng hay. Tôi
thường theo các anh xuống bè ngồi nghe, bởi tuy còn nhỏ nhưng sao tôi vẫn cảm
nhận được cái gì đó nó thâm thúy sâu xa trong tiếng đàn uyển chuyển réo rắt của
các anh. Còn một lý do không kém phần hấp dẫn là sau các cuộc đờn ca sẽ không
bao giờ thiếu các món cháo gà, cháo cá của các “chàng trai tài tử” mà tôi chưa
một lần bị mất phần ăn ké. Sau này khi vào chiến khu, thay cho chiếc bè tre là
những cuộc đờn ca trên vài chiếc xuồng con bồng bềnh trôi giữa bốn bề sông nước
của Đồng Tháp Mười, hòa quyện với tiếng đờn là những giọng ca vọng cổ trong
trẻo đượm buồn như muốn nói lên nỗi lòng của những người con xa xứ... Càng đồng
điệu hơn nếu có năm ba chiếc gom lại để cùng thưởng thức món tôm càng nhúng
dấm, thêm chút rượu mùi ấm bụng giữa đêm khuya, rồi vừa nhâm nhi vừa đờn ca đối
đáp. Có điều bất ngờ sau này được nghe kể lại là chính anh Năm Phàn đã thông
qua mối giao du đờn ca như thế mà tuyên truyền giáo dục anh Ba Thanh Nha sớm
giác ngộ cách mạng.
(Còn nữa)
|
|