|
Bà Lê Thị Út
Ngày ấy thoát ly tham gia cách mạng,
tôi được phân công vào hoạt động ngay trong ngành Tuyên huấn tỉnh Kiến Phong,
thuộc thuộc đơn vị Nhà in. Thời chống Mỹ và bè lũ tay sai, ngành Tuyên huấn lớn
lắm, gần như bao trùm hết các bộ phận. Ngoài bộ phận Văn phòng Ban còn có các
tiểu ban: Thông tấn, báo chí; Văn nghệ, Hội họa; Giáo dục, Tuyên truyền (Chiếu
bóng, Điện ảnh), Huấn học (sau là Trường Đảng); Các đơn vị độc lập gồm: hai Nhà
in (in chì và in sáp – in roneo), Đoàn Văn công…. Hiện nay bà Út sống cùng các
con gần Bệnh viện Phục hồi Chức năng, kế cầu Tỉnh ủy tại phường 1, thành phố
Cao Lãnh.
Tôi tham gia cách mạng tại địa
phương từ năm 1960, lúc ấy mới 15 tuổi đời. Ban đầu tôi được phân công ở trong
đội ca vũ dạy cho các em nhỏ những bài hát múa cách mạng trong những đêm trăng
sáng, rảnh thì các chú các anh giao đi rải truyền đơn, rồi có lúc còn là cô giáo
dạy bình dân học vụ cho các em. Những người tôi dạy hồi ấy đi hoạt động, sau
cũng hy sinh hết rồi.
Năm 1968 lúc ấy vừa 23 tuổi, tôi xin
thoát ly gia đình vào căn cứ cách mạng, chung đơn vị với chú Năm Quang (giờ ở
huyện Chợ Mới), chú Mười Long (ông Nguyễn Đắc Hiền, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy),
chị Sương, chị Ba Nguyệt (vợ anh Ba Thanh Tùng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh)….
Cuộc đời hoạt động cách mạng thì cũng như anh em, đồng chí mình thôi. Vui có,
buồn có, gian khổ, hạnh phúc cũng trải qua hết. Nói chung ai đi hoạt động hồi
ấy cũng như tôi mà thôi. Có điều tất cả anh em chúng tôi dù bao cơ cực, hiểm
nguy rình rập nhưng luôn luôn có niềm tin mãnh liệt: cách mạng chắc chắn sẽ có ngày toàn thắng, tất cả chúng ta sẽ được sống
trong đất nước độc lập, tự do!
Còn tại sao tôi bị thương ư?
Làm sao tôi quên được bởi nó gắn với
hạnh phúc của vợ chồng tôi.
Khi đó tôi đang ở cơ quan Nhà in.
Anh ấy làm phóng viên thông tấn, phó tiểu ban thông tấn, báo chí (lúc ấy ông
Nguyễn Đắc Hiền làm trưởng tiểu ban). Hơn một năm trời gặp nhau, quen nhau qua
lại, rồi tìm hiểu, cha mẹ hai bên chấp thuận, bạn bè vun vào, hai chúng tôi
được anh em trong đơn vị thay mặt gia đình đứng ra tổ chức một lễ kết hôn đơn
giản theo kiểu đời sống mới trong cơ quan để vợ chồng được về chung một nhà. Tôi
còn nhớ lúc ấy đơn vị Nhà in đóng gần Kinh Gianh, khu vực Hội Đồng Tường.
Buổi chiều, mọi người trong đơn vị
và bà con xung quanh nơi đơn vị đóng quân xúm lại lo trang trí, khiêng bàn ghế,
bày biện ít bánh kẹo, thuốc hút, tối đơn vị tính nấu nồi cháo vịt đãi anh em
liên hoan mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Tôi bưng cái rá đi về phía miệng
hầm bí mật. Sống ở thời chiến tranh, đơn vị lúc nào cũng trong tình trạng cảnh
giác cao độ. Lương thực của toàn đơn vị thường phải giấu kín ở dưới hầm bí mật,
trên nắp hầm có gài trái sợ kẻ địch vào thu gom, đốt bỏ, anh em mình không có cái
ăn. Trước khi đi về hầm lấy gạo, như một linh tính báo trước, tôi cũng cảnh
giác, lên tiếng hỏi Gỡ trái chưa? Có
anh lên tiếng: Gỡ rồi. Thế là tôi ôm
rá đi phăm phăm ra mở nắp hầm. Thật xui xẻo. Có thể anh em có đi gỡ nhưng chưa
hết. Trong chiến tranh có những tai nạn thật “vô duyên”, hết sức tình cờ, như
từ “trên trời rơi xuống”, chẳng ai có thể đoán trước như vậy. Trái lựu đạn dưới
nắp hầm phát nổ. Cả người tôi hứng trọn những miểng lựu đạn lớn nhỏ.
Nghe
tiếng nổ, tất cả anh em xung quanh chạy lại, thất thần. Ông Sáu Sơn, chồng tôi
ôm tôi máu me bê bết phóng vội xuống xuồng chở về ngay cơ quan Dân y Tỉnh lúc
ấy đóng ở đường Kinh 1, xã Thanh Mỹ cấp cứu. Trời đất, hơn ba mươi vết thương
lớn nhỏ trên người nhưng cũng thật hên, miểng găm bấy bá vô phần mềm từ bụng trở
xuống chân nên tôi chỉ lịm đi, không chết. Đám cưới trong kháng chiến ở đơn vị
lần đầu không có cô dâu và chú rể tham dự …
Thế nhưng xui rủi vẫn đeo bám dai
dẳng, vừa lành vết thương, chỉ ít ngày sau trong một trận càn của địch vào đơn
vị, tôi lại bị tụi lính bắt được, lúc ấy vào năm 1969.
Kẻ địch tràn tới nhanh quá tụi tôi
không chạy kịp, mà chúng lại đóng quân ở ngay trên nóc hầm bí mật. Trong hầm
lúc ấy có tôi, thằng Bé Ba và chị Út Liếng vừa qua thăm đơn vị tôi. Bé Ba mới
17 tuổi là liên lạc cơ quan Nhà in tỉnh (sau đi bộ đội rồi cũng hy sinh). Do
đơn vị mới tới nơi đóng quân, chưa kịp hỏi thăm cơ sở thì địch hành quân vào
tới nhanh quá. Ba chị em nhảy vội xuống hầm bí mật. Ai dè hầm đã lâu không có
ai ở, sình ngập tới ngang ngực. Có chỗ núp là hên lắm rồi, mấy chị em đều nghĩ
vậy. Nhưng hầm bí mật bị bít lỗ thông hơi hoàn toàn. Suốt cả ngày từ sáng tới sẩm
tối, hai chị em phụ nữ chịu đựng được nhưng Bé Ba còn trẻ, ngộp quá thỉnh
thoảng mở nắp hầm trồi lên sụp xuống để thở. Thằng lính canh đi tới đi lui xung
quanh khu vực thấy chỗ đất động đậy liền phát hiện ra nắp hầm bí mật.
Phát loa kêu gọi không nghe động
tĩnh, chúng ào tới lôi cả ba con người ngộp thở đã lả đi ở dưới hầm lên. Trong
hầm lúc ấy có chị Út Liếng là quân báo tỉnh có mang theo khẩu súng K54. Tôi thì
có súng CKC. Trước khi bị lộ chưa bị xỉu đi, hai chị em còn tỉnh táo cố chòi
đạp, nhấn cả 2 khẩu súng xuống tận sình dưới chân, thế nhưng chúng vẫn moi lên
được. May mà không có bó tài liệu hay truyền đơn gì của cơ quan để lại. Kẻ địch
đưa cả ba chị em chúng tôi về chợ Kiến Văn rồi về Khám đường Cao Lãnh. Tôi khai
đi nấu cơm, máy bay tới các ông kia bỏ súng lại dưới hầm rồi chạy luôn, chúng
tôi không hề biết. Thấy mấy ông càn vào sợ quá nên nhảy đại xuống hầm. Khai vậy
nhưng nào chúng có tin!
Vạch người tôi nhóc vết thương mới
kéo da non, cùng với khẩu súng thu được dưới hầm, chúng khẳng định chắc chắn
tôi là Việt cộng. Chúng tôi bị chúng đánh tơi tả nhưng cũng kịp nói với nhau đã
khai ban đầu sao thì sau vẫn vậy, nếu thay đổi lời khai thì bị lộ cơ sở ta và
chúng càng đánh tàn bạo hơn. Thôi thì đủ trò, đủ kiểu tra tấn, nghĩ lại còn
rùng mình. Chúng dùng ma trắc quật túi bụi trên đầu, trên thân thể ba chị em, tôi
bị chúng cột dây điện lên 10 đầu ngón chân, ngón tay rồi quay điện ù ù. May mà
nguồn điện 110 nên tôi không chết, chỉ chết giấc, té đập đầu xuống nền gạch như
những bịch bông. Sau đó chúng xối nước cho tỉnh lại rồi như thú dữ thay nhau
xông vào tra tấn tiếp, hết trận này đến trận kia, ban ngày và cả ban đêm…
Không khai thác được gì, làm án
xong, chúng tôi bị chúng giam tại Khám đường Cao Lãnh thời gian năm tháng rưỡi
sau đó chúng đưa về Cần Thơ năm tháng, ra Quy Nhơn gần bẩy tháng trời. Ba năm
trời đằng đẵng, nghe tin sắp kí kết Hiệp định Pari năm 1973 chúng đưa tôi về
lại Cần Thơ chắc tính giấu bớt lượng tù binh quân sự không chịu trao trả, sau
bị ta bên ngoài đấu tranh dữ quá chúng buộc phải đưa tôi cùng anh em tù ngược
ra Lộc Ninh để trao trả cho cách mạng với danh nghĩa tù binh (không phải tù chính
trị).
Sau
khi được trao trả, năm 1973 tôi về công tác ở cơ quan Thông tấn, báo chí thuộc
Ban Tuyên huấn Khu 2, cùng chồng là Sáu Sơn (Lê Thanh Sơn), phóng viên Ban
Tuyên huấn cho thuận tiện.
Năm
nay tôi đã 52 tuổi Đảng, là thương binh ¾, miểng đạn còn ghim nhiều mảnh ở đùi,
phổi và nhiều nơi không thể lấy ra được. Mỗi khi trái gió trở trời, chúng hành
tôi phải chịu đựng đến khổ sở. Thôi thì mình cứ như “sống chung với lũ” vậy đi.
Và tôi luôn tự hào, vợ chồng tôi cả cuộc đời đi theo ngành in ấn, báo chí, đóng
góp cả máu thịt của mình cho ngày độc lập của Tổ quốc thân yêu.
Theo lời kể của bà Lê Thị Út (Phạm Thị Toán ghi)
|
|