|

Ông Huỳnh Văn Lê Năm 1949, lúc ấy tôi 16 tuổi, bạn học
của tôi tên Trần Văn Phương rủ rê, không theo cách mạng có khi sợ bị bắt lính,
nên tôi xin vào làm công tác văn phòng của Huyện ủy Phú Quốc cùng đứa bạn luôn.
Lúc này Huyện ủy cứ ít bữa lại di chuyển nơi này, nơi khác quanh thị trấn Dương
Đông để giữ bí mật nơi đóng quân. Bởi chữ viết của tôi khá đẹp nên vô đây tôi
có “đất dụng võ”. Cứ văn bản hay chỉ thị nào đưa xuống văn phòng, tôi chỉ có
một nhiệm vụ là tập trung ngồi viết một lèo rồi nhồi bột in luôn. Mỗi bản tôi
viết được in ra chừng 12 đến 13 tờ tài liệu là mờ chữ, lại phải bỏ đi, viết lại
tờ khác rồi mới in tiếp được. Đây là tờ báo mang tên Thống Nhất nổi tiếng lúc
bấy giờ, là tiếng nói chính thức của Huyện ủy, là niềm tin của bà con, cô bác,
là sự căm ghét, khiếp sợ của kẻ thù. Tùy yêu cầu của lãnh đạo mà tôi viết nhiều
hay viết ít. Có ngày tôi phải ngồi liên tục mấy giờ liền để viết mới in ra được
mấy trăm bản tài liệu, phát cho các cơ quan trong huyện. Tờ báo kháng chiến của ta đã kịp thời tuyên truyền về cuộc kháng chiến,
khích lệ đồng bào hăng hái ủng hộ và tham gia kháng chiến, đồng thời dùng ngòi
bút sắc bén, các “phóng viên” non trẻ của cách mạng đã có nhiều bài viết kịp
thời, nóng hổi đập lại các luận điệu phản động, cơ hội của các tờ báo Pháp cho
xuất bản công khai lúc bấy giờ, gây bất ổn cho cơ quan đầu não và hàng
ngũ binh lính địch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao
của cuộc kháng chiến.
Lúc ấy Văn phòng Huyện ủy đóng tại khu
Tượng, cách thị trấn Dương Đông chừng 4-5km, nằm lọt trong khu rừng cao su và
tiêu của dân. Huyện Phú Quốc chỉ có thị trấn Dương Đông và hai xã: Bẩy Bổn và
Cửa Cạn. Xã Bẩy Bổn thì cách Dương Đông vài chục kilomet nhưng Cửa Cạn chỉ cách
Dương Đông chừng 8km. Địch đóng quân tập trung ở trong thị trấn Dương Đông. Tù
binh cách mạng lúc này chúng đưa ra đây nhốt chừng 500-700 anh em, tập trung ở
đồn điền cao su của Pháp tại An Thới (chỗ gần Bến tàu bây giờ).
Vào
ngày 4/1/1951 khi vừa tròn 18 tuổi, tôi vinh dự được đứng vào hàng ngũ của
Đảng. Tôi còn nhớ lúc ấy ông Tô Sĩ Hồng là Bí thư Huyện ủy Phú Quốc. Hai người
giới thiệu tôi vào Đảng là ông Nguyễn Văn Luận, Chánh Văn phòng Huyện ủy và ông
Lê Văn Đoàn phụ trách Đảng Đoàn của Huyện ủy trực tiếp Bí thư Chi bộ Văn phòng.
Do quân địch ruồng bố, bắt bớ thường
xuyên nên nay cơ quan tôi ở chỗ này, mai ở chỗ khác xung quanh thị trấn Dương
Đông để giữ bí mật, an toàn cao nhất cho bộ phận đầu não của Huyện ủy Phú Quốc.
Lúc này đã lớn hơn, tôi lại khoái đi bộ đội địa phương quân chứ không muốn tối
ngày ngồi lỳ một chỗ ở văn phòng thật bí bách, khó chịu. May thời cùng dịp bên
vũ trang cần lực lượng tòng quân, làm nòng cốt cho thanh niên nhập ngũ, lên
đường. Tôi xung phong vào bộ đội địa phương huyện Phú Quốc. Lúc ấy dù 70- 80
quân tập hợp lại thành đơn vị nhưng chưa có chi bộ nên chỉ thời gian 8 tháng
tôi được xét từ đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức luôn. Cũng thời gian
cả năm sau, đủ đảng viên, chi bộ đơn vị mới được thành lập. Vào bộ đội tôi được
đơn vị cử đi học cứu thương ba tháng. Trận đầu tiên tôi được tham dự là ta đánh
vào tuần biên ở Vũng Bàu, ta bắn rơi một chiếc máy bay quân sự tại thị trấn
Dương Đông, Phú Quốc.
Hiệp
định Genève được ký kết ngày 20/7/1954 kết thúc sự xâm lược của thực dân Pháp
tại Việt Nam. Chúng tôi học tập Hiệp định Genève, được phổ biến nhiệm vụ sẽ tập
kết ra Bắc nhằm xây dựng quân đội vững mạnh và kế hoạch hai năm sau đất nước
Tổng tuyển cử, lúc ấy chúng tôi sẽ trở về quê hương. Cuối tháng 9/1954 đơn vị
tôi được lệnh đi tập kết. Từ Phú Quốc tôi đi chung đoàn quân dân chính của
huyện đảo Phú Quốc gồm 60 người. Chúng tôi tới Rạch Giá rồi được đưa tới Chắc
Băng. Từ đây, tàu đưa anh em ra Ô Cấp, rồi từ Vũng Tàu được lên tàu Pháp tiếp
tục ra biển hướng về miền Bắc. Liên tục ba ngày ba đêm lênh đênh trên biển, hết
lương khô, bánh tét, rồi cơm khô, cơm sấy…., tàu cập bến tại Sầm Sơn tỉnh Thanh
Hóa, chúng tôi đặt bước chân đầu tiên lên mảnh đất miền Bắc thân yêu và sau đó
là mấy chục năm với bao nhiêu ngày đêm trông ngóng về Nam cho tới ngày giải
phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tôi ở sư 338 rồi sư 330. Do sức khỏe
không đảm bảo ở bộ đội chính quy nên tôi được về nông trường Thanh Hà, làm y tế
của nông trường, rồi Bệnh viện trung đoàn 368. Học y sĩ 3 năm ở trường y Thái
Bình. Thời gian sau tôi được Ban thống nhất Trung ương giới thiệu học thêm
ngoại sản chuyên sâu rồi về trung ương, Ban quan hệ Bắc Nam bồi dưỡng, rèn
luyện sức khỏe, mang vác leo núi để về Nam. Nói thật hồi ấy tụi tập kết chúng
tôi hầu như ai ai cũng trông ngóng ngày được trở về miền Nam, giải phóng quê
hương. Đã 9 năm rồi cứ “ngày Bắc, đêm Nam” chứ đâu phải chỉ 2 năm như dự kiến
ban đầu ngày chúng tôi xuống tàu đi tập kết.
Thật
hạnh phúc vì tôi cũng còn kịp hòa mình vào cuộc chiến đấu kiên cường để ngày
thống nhất cận kề hơn, nhưng cũng phải tới hai mươi mốt năm ròng lời ước hẹn
mới trở thành hiện thực. Đi qua cuộc chiến tranh, nhưng tôi cũng còn may mắn hơn
rất nhiều đồng đội của tôi đã không kịp biết đến thế nào là độc lập, là hòa bình,
là tự do, là hạnh phúc như mong ước của cả dân tộc trong ngày chia tay xuống
tàu đi tập kết.
Vào tháng 12/1965 xe chở chúng tôi vô
Quảng Bình rồi tới sông Bến Hải. Cả đoàn xuống xe hành quân bộ lên làng Vân
Kiều cũng hết thời gian 3 tháng 12 ngày. Cứ ngày đi, đêm nghỉ, cố gắng tránh xa
dân, càng xa càng tốt bảo đảm bí mật tuyệt đối, kẻ địch sẽ bỏ bom, bắn phá nếu
phát hiện dấu vết ta hành quân vô Nam. Tôi được phân công về Ban dân y R, đoàn
có 100 người thì cán bộ y tế chúng tôi có 30 anh em. Mấy năm đơn vị chuẩn bị cơ
sở đào tạo bác sĩ cho các tỉnh Nam bộ, cung cấp y, bác sĩ cho các chiến trường,
tôi cũng trong danh sách được cử đi học bác sĩ thì xảy ra chiến dịch Hồ Chí
Minh lịch sử. Công việc bị ngưng lại.
Đại thắng mùa xuân năm
1975, tôi trở về cùng anh em đóng góp sức lực còn lại cho quê hương thân yêu
của mình trong những năm đầu giải phóng còn bộn bề khó khăn. Chúng tôi hành quân từ Tây Ninh đến
Sài Gòn đúng 12 giờ trưa ngày 30/4 tiếp thu Đại học Y dược sau được phân công
về phụ trách y tế Quận 3. Năm 1976 tôi được cử về trường Đại học Y Sài Gòn, một
thời gian tôi xin chuyển ngành về Bộ Cơ khí - Luyện kim, bộ phận phía Nam phụ
trách bộ phận hành chính, tổ chức và Bí thư bộ phận A74 của Bộ Cơ khí Luyện kim
phía Nam.
Tôi được nghỉ hưu vào năm 1980 và trở
về quê vợ ở Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, cũng trải qua vài năm cấp ủy địa phương
rồi tuổi cao, sức yếu, sức khỏe không cho phép, tôi mới xin nghỉ luôn. Khi đã
bước vào tuổi xế chiều người ta thường hay nhớ về quãng đời thanh xuân tươi
đẹp. Tôi cũng không ngoại lệ. Đêm đêm, những kỷ niệm ngày xưa hay tái hiện
trong ký ức của ông lão 90 tuổi này. Cái nhớ cái quên đan xen lại thành chuỗi xung
quanh câu chuyện cuộc đời mình, nhưng tôi không hề hối tiếc. Cả cuộc đời đi theo
cách mạng, với gần bẩy mươi năm tuổi Đảng, cho tới tận bây giờ tôi chưa bao giờ
ân hận với lý tưởng mình đã chọn từ thời trai trẻ. Nếu được sinh ra một lần
nữa, tôi sẽ vẫn đi theo con đường cách mạng. Qua bao thăng trầm của cuộc đời, ngẫm nghĩ lại tôi thấy
mình vẫn còn may mắn. Mồ côi cha mẹ, khi vừa đến tuổi trưởng thành đã gặp và
được sự dìu dắt, giúp đỡ tận tình của chi bộ Đảng, Huyện ủy Phú Quốc với những
Đảng viên trung kiên, đưa tôi bước vào con đường cách mạng, hoạt động liên tục
mấy chục năm cho đến khi sức tàn, lực kiệt, nhưng tôi luôn tự hào và xứng đáng
là người Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, tính tới nay gần 70 tuổi đảng rồi.
Cám ơn Đảng, Bác Hồ đã cho chúng tôi
có cơ hội học tập, rèn luyện trưởng thành vững vàng tại miền Bắc để trở về phục
vụ miền Nam.
Cám ơn mảnh đất Đồng Tháp đã cho tôi có
thêm một quê hương./.
|
|