|
.JPG)
Cánh đồng lúa chất lượng cao ở xã Thường Thới Tiền
Toàn huyện Hồng Ngự có 11.500 ha đất
sản xuất nông nghiệp nhưng các sản phẩm nông nghiệp chưa có người đại diện –
hợp tác xã - ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Hiện toàn
huyện chỉ có 800 ha nông dân tự kí kết với Công ty lương thực Tân Hồng và doanh
nghiệp tư nhân Năm Nê. Trong số hai đơn vị kí kết với nông dân tiêu thụ lúa gạo
thì diện tích người dân ký kết với Công ty lương thực Tân Hồng cùng rất khiêm
tốn, chỉ dừng lại ở mức 166,5 ha, 742,5 còn lại do doanh nghiệp Năm Nê bao
tiêu. Không chỉ chênh lệch về diện tích kí kết giữa hai doanh nghiệp với nông
dân mà chuyện chất lượng, giống lúa theo nhu cầu của hai doanh nghiệp này cũng
là điều đáng phải suy ngẫm! Trong khi Công ty lương thực Tân Hồng sẽ bao tiêu
lúa cho bà con nông dân khi đến vụ thu hoạch với điều kiện công sẽ cung cấp
giống – AG 103 – vật tư, phân bón cho bà con nông dân thì doanh nghiệp Năm Nê
lại kí kết với nông dân bao tiêu tất cả sản lượng lúa các loại mà không ràng
buộc một điều kiện nào, trong đó chủ yếu là giống lúa IR 50404. Rõ ràng ở huyện
Hồng Ngự đang có hai chiều hướng kí kết thu mua lúa gạo nghịch chiều. Vậy đâu
là nguyên nhân? Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Mẫn - Trưởng phòng Nông
nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự - cho biết: Mỗi năm, Huyện uỷ
giao chỉ tiêu mỗi vụ phải kí kết tiêu thụ lúa gạo cho bà con nông dân 1000 ha.
Qua hai vụ lúa vừa rồi, người dân cũng chỉ kí kết với hai doanh nghiệp được 809
ha. Hiện tại, ở các vùng sản xuất lúa của huyện đang tồn tại một thực tế chưa
thể tháo gỡ được, đó là số hộ dân có đất trồng lúa trong vùng là xã viên hợp
tác xã (HTX) chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 25% diện tích vùng, HTX rất khó khăn trong
việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi và kí kết đầu vào, đầu ra cho ngành hàng lúa
gạo. Ở huyện Hồng Ngự, HTX chỉ thực hiện các dịch vụ nông nghiệp, chưa thực
hiện được vai trò của người đại diện làm cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp
nên UBND các xã phải đứng ra làm đầu mối mời nông dân và doanh nghiệp họp bàn,
thương thảo để nông dân và doanh nghiệp tự ký kết hợp đồng. Không chỉ có mặt
hàng lúa gạo mà các mặt hàng khác cũng gặp khó khăn tương tự về đầu ra cho sản
phẩm.
Để hiểu hơn những băn khoăn, trăn
trở của Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự, tôi
tìm đến xã Thường Thới Tiền và được ông Lê Văn Dũng (65 tuổi) ở ấp Trung lý
giải về việc tại sao người nông dân lựa chọn làm lúa IR 50404 vì thời gian ngắn
hơn lúa chất lượng cao khoảng 10 ngày nên nhẹ sâu rầy lại dễ làm, mỗi vụ giảm
được 2 đến 3 cử phun xịt. Làm lúa IR 50404 giá bán rẻ hơn lúa chất lượng cao
trên dưới 150 đồng/kg nhưng năng suất lại cao hơn từ 3 đến 4 giạ/công nên bà
con chúng tôi vẫn trồng giống lúa IR 50404, làm lúa IR50404 nhưng chẳng ai ăn
cơm từ gống lúa này này cả. Thu hoạch xong là bán hết rồi mua gạo chất lượng
cao để ăn.
Xây dưng và phát triển HTX nông
nghiệp kiểu mới, mô hình cánh đồng mẫu lớn và thay đổi thói quen của người nông
dân trong việc chọn giống lúa đang là bài toán chưa có lời giải khi thực hiện
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở huyện biên giới Hồng Ngự.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một
chủ trương lớn, xuất phát từ thực tế của ngành nông nghiệp tỉnh nhà, mang tính
chỉ đạo từ trên xuống. Một trong những yếu tố quyết định sự thành công của Đề
án là xây dựng cho được các tổ hợp tác(THT) và HTX nông nghiệp mà việc các nông
hộ tham gia vào HTX lại mang tính tự nguyện. Để giải được bài toán này, đòi hỏi
các cơ quan chuyên môn, chính quyên và các hội – đoàn địa phương phải vào cuộc
với tinh thần quyết liệt, kiên trì vận động, thuyết phục bà con nông dân hiểu
rõ mục đích, ý nghĩa của chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà cách tuyên
truyền, thuyết phục có hiệu quả nhất là lấy lợi ích của người nông dân khi tham
gia vào HTX làm minh chứng. Theo các nhà kinh tế nông nghiệp, nếu một HTX hoạt
động có hiệu quả thì xã viên HTX sẽ tiết kiệm được 02 triệu đồng cho chi phí
sản xuất và tăng thêm 02 triệu đồng nhờ tăng năng suất và có nhà doanh nghiệp
bao tiêu sản phẩm. Đây chính là tôn chỉ, mục đích của mô hình HTX kiểu mới.
Hiệu quả kinh tế của xã viên HTX và khả năng trợ giúp xã viên HTX sản xuất,
kinh doanh là thước đo đánh giá mức độ thành công của một HTX. Chức năng của
một HTX kiểu mới là một tổ chức xã hội dân sự được sinh ra để phục vụ xã viên
chứ không phải là một tổ chức, đơn vị kinh doanh. Đây là vấn đề quan trọng trong
công tác tuyên truyền, vận động mà các cơ quan chuyên môn, chính quyền và các
hội – đoàn ở cơ sở phải hiểu và vận dụng linh hoạt vào thực tiễn của địa phương
mình trong công tác tuyên truyền, vận động khi triển khai thực hiện Đề án. Do
thực hiện “hai chung” nên HTX giảm được chi phí, tăng lợi thế cạnh tranh và lợi
nhuận so với sản xuất theo đơn vị hộ gia
đình. Thành lập được HTX là thành công bước đầu cho việc thực hiện Đề án nhưng
quan trọng hơn là HTX có thực sự là cầu nối giữa người nông dân là xã viên HTX
với các doanh nghiệp hay không. Hiện tại, không chỉ ở huyện Hồng Ngự mà nhiều
địa phương trong tỉnh, năng lực lãnh đạo của Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc
các HTX còn rất hạn chế cho nên hoạt động của HTX chỉ dừng lại ở mức độ dịch
vụ, chưa đảm nhận được vai trò là người đại diện để kí kết đầu vào, đầu ra cho
sản xuất nông nghiệp của xã viên HTX. Lời giải cho bài toán này thuộc về Ban
chỉ đạo thực hiện Đề án các cấp từ tỉnh đến xã. Trở lại bài toán giống lúa IR
50404 ở huyện Hồng Ngự, cho dù đây là giống lúa cho gạo phẩm cấp thấp nhưng
người dân vẫn trồng và có lợi nhuận vì có thị trường ở nội địa dùng cho sản
xuất bún và bánh tráng. Vấn đề cần định hướng cho bà con nông dân là sản xuất
giống lúa này với quy mô như thế nào cho phù hợp để tránh rủi ro.
Thành lập HTX, xây dựng cánh đồng
mẫu lớn, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông sản chất lượng cao…là
những giải pháp để thực hiện Đề án. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một Đề án
có lộ trình dài, được xây dựng trên cơ sở thực tiễn của ngành nông nghiệp Đồng
Tháp nhưng không phải chỉ ngành nông nghiệp thực hiện mà là trách nhiệm của cả
hệ thống chính trị, đòi hỏi mọi người phải thông hiểu và đồng thuận cao, bởi
“Tư tưởng thông thì hành động đúng”!
|
|