|
Sau ngày giải phóng, thống nhất đất
nước 1975, xã Thanh Mỹ tan hoang bởi bom mìn chà nát. Cả vùng đất bao la hầu
hết là cánh đồng hoang đầy lúa trời, cỏ mồm, đế năn, sậy, tràm, sản xuất chỉ
một vụ lúa mùa một năm, năng suất bấp bênh, mùa lũ thì nước ngập mênh mông, mùa
khô đất đai nứt nẻ, xì phèn không thể sản xuất được, không đủ nuôi sống dân
trong xã mà chỉ chờ cứu viện từ trung ương về. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội
hầu như chưa có gì, giao thông khó khăn, chỉ đi bằng đường thủy, dân cư thưa
thớt. Lúc ấy Thanh Mỹ gần
như là một “vùng trắng”: không điện, không trường học, không trạm y tế. Đường
giao thông chỉ là những con đường mòn đất sét pha thịt. Còn nước sinh hoạt chỉ
có nước sông, mùa khô là nước phèn trong như “mắt mèo”, mùa mưa nước lại đỏ
ngàu phù sa.
Lần đầu tiên tôi về Thanh Mỹ, vẫn chưa có đường bộ,
chỉ có đường sông. Đó là vào năm 1983. Từ Sa Đéc chúng tôi lên con tàu lô khởi
hành lúc 8h sáng. Mỗi ngày tàu chỉ chạy một chuyến. Tàu dừng ở chợ Thanh Mỹ lúc
đó hơn 1h chiều. Từ chợ Thanh Mỹ chúng tôi cuốc bộ trên con đường dọc kinh Một.
Chỉ hơn 2km nhưng riêng tôi thì tôi “nhớ đời” bởi một đoạn đườn ngắn, bề ngang
chưa tới một mét nhưng có khoảng vài chục cây cầu khỉ. Cả dọc đường kinh không
hề có lấy một ngôi nhà xây. Không có điện, dân chỉ xài đèn dầu. Trường học có
tới lớp tiểu học. Trạm y tế thì chỉ có một nữ hộ sinh. Nhà vệ sinh chỉ “rặt”
cầu cá tra…. Nhắc lại
“chuyện xưa”, mới thấy Thanh Mỹ đã vượt qua muôn ngàn gian khó, gần như “hai bàn tay trắng”, nỗ lực hết mình để
lịch sử “sang trang”, “vươn mình” đứng dậy như hôm nay. Chính quyền và nhân dân
Thanh Mỹ cùng nhau bắt tay xây dựng lại quê hương: Đào thêm hệ thống kênh nối
liền các con kênh lớn vươn vào vùng sâu để dẫn ngọt, thau chua, rửa phèn, cải
tạo đất đai, mở rộng diện tích sản xuất lúa, tiêu thoát lũ và tăng thêm nguồn
thủy sản, phát triển giao thông thủy, tạo điều kiện đưa dân vào làm ăn sinh
sống và phát triển sản xuất. Nước ngọt tràn về, đất được ém phèn không cho lừng
lên, nước ngọt chảy tới đâu, ruộng lúa cũng xanh lên tới đó như những vết dầu
loang. Xã Thanh Mỹ anh hùng trong chiến đấu trước kẻ thù, bây giờ dần dần đã
hồi sinh, “thay da, đổi thịt” từng
ngày.
Đặc biệt từ khi được Tỉnh chọn là một trong 30 xã điểm
về xây
dựng nông thôn mới (XDNTM), đồng chí Trần
Văn Lập, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Phát huy truyền thống xã anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thanh Mỹ xác định đây là nhiệm vụ vừa
vinh dự đồng thời cũng là trách nhiệm rất nặng nề chúng tôi quyết tâm hoàn
thành, bởi mục đích XDNTM
là nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống tinh thần
cho người dân. Đây là những vấn đề lớn và càng khó đối với một địa phương đặc
biệt khó khăn ở vùng sâu như Thanh Mỹ, bởi hơn 85% hộ dân sống bằng nghề sản
xuất nông nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận
nghèo cao, nhiều nhà tạm, tiện nghi phục vụ nhu cầu sinh hoạt còn thiếu thốn
trăm bề, hệ thống giao thông nông thôn của xã còn nhiều bất cập…
Để
xây dựng đạt các tiêu chí xã nông thôn mới từ điểm xuất phát quá thấp, kinh tế nhân dân khó khăn, trong
khi không thể hoàn toàn dựa vào nhà nước, Thanh Mỹ
xác định công tác dân vận là nhiệm vụ trọng tâm, có tính quyết định dẫn tới
thành công cho Chương trình. Thật đúng, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận
động, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, chương trình XDNTM đã được nhân dân
đồng tình hưởng ứng. Qua gần 4 năm thực hiện, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, bên cạnh
các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, người dân trong xã rất đồng tình hưởng ứng
bằng việc hiến đất, đóng góp ngày công, tiền của để xây dựng cơ sở vật chất văn
hóa, giao thông nông thôn, hoàn thành mục tiêu quốc gia XDNTM.
Cùng với
kinh phí của nhà nước, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp được hoàn
chỉnh, khép kín, nước sạch vệ sinh môi trường, đường điện được kéo về, xóa nhà
tạm bợ cho hộ nghèo, kiên cố hóa trường lớp, phát triển chợ và cụm tuyến dân cư
xã Thanh Mỹ… Từ một xã vùng sâu, giao thông đi lại khó
khăn, rõ nhất là những con đường “ý
Đảng - lòng dân” trục xã, liên xã được đầu tư mở rộng và xây mới được hoàn thành, đã góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội
phát triển, thực hiện thắng lợi tiêu chí về giao thông ở địa phương. Đây là
tiêu chí được coi là khó thực hiện nhất ở đây. Hệ thống đê bao, cống đập
được nâng cấp cơ bản kiểm soát lũ cho trên 95% diện tích sản xuất. Trong điều kiện khó khăn như vậy
nhưng Chương trình XDNTM ở xã đã huy động được nhiều nguồn lực, với tổng kinh phí đầu tư trên 284 tỷ đồng để xây dựng 130 công trình, nhưng vốn dân đóng góp trên
174 tỷ đồng.
Ông
Phạm Văn Thường ở kinh 1, ấp Lợi An cho biết: Bây giờ Thanh Mỹ trở thành xã NTM
chúng tôi mừng quá. Từ NTM lúc đầu tôi cũng chưa hiểu lắm nhưng bây giờ nó hiện
lên rõ “như ban ngày” và dân ở đây ai cũng thấy. Khi trước vào những ngày mưa
gió bà con ít ra ngoài vì đường đất đi lại rất khó, thầy cô giáo, y bác sĩ phải
về đây ai cũng sợ. Giờ khác rồi. Xe máy, thậm chí xe 4 chỗ, 15 chỗ vô tới tận
ngõ. Đất nhà tôi không làm ruộng nữa mà đào ao nuôi cá, trồng cỏ nuôi bò, nuôi
ếch… thu nhập cao hơn 3 - 4 lần so với khi trồng lúa, mỗi năm cũng thu nhập dư
vài trăm triệu. Hơn 90% hộ dân trong đó có gia đình tôi đã có nhà xây, nước xài
thoải mái là nước máy không dùng nước sông nữa…
Hiện nay, diện
mạo nông thôn của xã đã có nhiều đổi thay về chất. Thênh thang đi trên con đường
Thanh Mỹ hôm nay chúng tôi lâng lâng dâng trào cảm xúc. Dọc
2 bên đường, người dân làm hàng rào, cổng ngõ, trồng
các loại hoa kiểng tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Đêm đêm đường quê sáng
rực, nhà văn hóa ấp, trạm y tế, trường học được xây dựng khang trang, tạo điều
kiện cho nhân dân vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe cho dân thuận tiện, con
em đi học dễ dàng, phát triển kinh tế gia đình, xóa nhà tạm bợ, giúp nhau giảm
nghèo, góp phần làm đổi mới bộ mặt nông thôn của xã, đời sống vật chất, tinh
thần của người dân được nâng lên, tình hình an ninh trật tự được giữ vững nên
người dân rất phấn khởi. Thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng theo các
năm: Năm 2010 chỉ đạt 19,5 triệu đồng, đến nay, đạt 29,19 triệu đồng. Tỷ lệ hộ
nghèo theo các năm liên tục giảm: Năm 2012 chiếm 5,85 %; năm 2013 chiếm 4,21%
và năm 2014 chỉ còn 3,9%. Từ một địa phương có truyền thống cách mạng, Thanh Mỹ nỗ lực phát huy
những tiềm năng lợi thế, vươn mình đi lên. Thật vinh
dự, ngày 12/11/2014, Đoàn thẩm định của Ban Chỉ đạo Tỉnh đã ra quyết định công
nhận xã đạt 19/19 tiêu chí NTM và Thanh Mỹ là xã đầu tiên của tỉnh tổ chức lễ
công bố đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới. Và điều quan trọng hơn cả là nhân dân trong xã đã hiểu được: chính họ là
chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.
Tuy rất phấn khởi vì đã đạt chuẩn NTM nhưng Đảng bộ và chính quyền Thanh Mỹ
cũng xác định: kinh tế của xã vẫn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tình trạng
sản xuất tự phát còn khá phổ biến nên chất lượng, hiệu quả sản xuất còn hạn
chế, đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn, trình độ dân trí có nâng lên
nhưng chưa đồng đều, cơ sở hạ tầng tuy được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn theo
tiêu chí quy định, nhưng chưa đáp ứng tốt yêu cầu của sự phát triển..... Trong thời gian tới Đảng ủy và nhân dân xã
Thanh Mỹ một
mặt quyết tâm duy trì, giữ vững các tiêu chí đã đạt được, mặt khác không ngừng phấn đấu xây dựng bền vững các tiêu chí còn một số bất cập. Có như vậy thì chương
trình XDNTM khi về đích mới thành công đúng nghĩa, để
xứng danh Thanh
Mỹ là xã anh hùng trong kháng chiến và anh hùng trong xây dựng hôm
nay./.
|
|