|

Khu nông nghiệp công nghệ cao 
sản xuất rau công nghệ cao
Được
thành lập vào đầu năm 2014, đến nay, Công ty Cổ phần nông trại sinh thái Ecofarm trên địa bàn ấp
Nam, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp
đã thực hiện đầu tư cơ
sở vật chất theo quy hoạch; triển khai cải tạo đất; nhà màn với
quy mô đầu tư trên tổng diện tích 83.579m2. Thời gian qua, công ty đã cho khảo nghiệm và tuyển chọn các giống ớt, dưa lê, dưa lưới
nhập nội và địa phương để chọn ra giống thích nghi với điều kiện tự nhiên tại
huyện Thanh Bình. Song
song đó, công ty sẽ ứng dụng công nghệ ghép gốc
(ghép gốc, ghép áp, ghép nêm) tạo ra nhiều giống ớt khác nhau về hình dạng, màu
sắc, kích thước trái, làm tăng giá trị cây ớt, có thể làm kiểng, giúp thương mại
hóa ớt ghép, góp phần đa dạng chủng loại cây kiểng của tỉnh Đồng Tháp.
Công ty còn xây dựng nhiều mô hình canh tác rau, hoa ứng dụng công nghệ cao
không cần đất như: Trồng rau trên bè nổi dọc bờ sông với nhiều loại rau ăn lá,
rau ăn trái và ớt kiểng đặc trưng cho vùng nước nổi, sinh thái tự nhiên. Thủy
canh rau và hoa kiểng trong nhà màng, ưu tiên các loại rau ăn tươi sống và cây
hoa kiểng trong phòng có tác dụng thanh lọc khí độc, kết hợp trưng bày và buôn
bán các sản phẩm truyền thống của địa phương gồm các mặt hàng chế biến từ ớt,
dưa, bắp,... cùng với mô hình trình diễn khép kín trong sản xuất bắp vàng, ớt, thì
việc ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa từ khâu làm đất, gieo hạt, tưới nước đến
thu hoạch và sau thu hoạch, cung cấp sản phẩm, giống cây trồng đảm bảo chất lượng
tốt, sạch sâu bệnh cho nông dân sản xuất trong vùng dự án cũng được công ty chú
trọng. Bên cạnh đó, công
ty sẽ chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác sản xuất cây trồng theo hướng
VietGAP, cho người dân trong vùng được trồng trọt theo
kỹ thuật hiện đại, sao cho hiệu quả kinh tế, lợi nhuận cao nhất trên diện tích đất
trồng. Ngoài ra, công ty sẽ cử nhân viên kỹ thuật thường xuyên thăm đồng ruộng
hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân để kịp thời xử lý khi cần thiết.
Ông Trần Văn Sơn - Giám đốc Công ty Cổ phần nông trại sinh
thái Ecofarm Đồng Tháp
chia sẻ: “Mục đích của việc xây dựng mô hình này của công ty chúng tôi là để
chuyển giao công nghệ sản xuất cho người nông dân. Trên thực tế, huyện Thanh
Bình là vùng đất có diện tích đất bãi bồi vùng cù lao Tây trên sông Tiền khá
lớn và màu mỡ, thuận lợi cho việc phát triển hoa màu, do đó, công ty chúng tôi
sẽ đi sâu vào nghiên cứu, đưa ra giải pháp cho người nông dân canh tác trên diện
tích nhỏ nhưng lại thu được hiệu quả lớn, đồng thời tiết kiệm được nguồn nhân
công tham gia lao động sản xuất hàng ngày. Thông qua dự án này, Ecofarm mong muốn
giúp người nông dân ứng dụng các khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp,
áp dụng cơ giới hóa với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân trong sản
xuất nông nghiệp”.
Ông Nguyễn Văn Thật - Trưởng Phòng
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Bình cho biết: “Dự án Nông
nghiệp công nghệ cao do Công ty Cổ phần nông trại sinh thái Ecofarm làm chủ đầu
tư sẽ mở ra nhiều triển vọng mới cho sản xuất cây màu trên địa bàn huyện Thanh
Bình. Qua đây, người nông dân có điều kiện tiếp cận với kỹ thuật sản xuất nông
nghiệp hiện đại, giúp tăng lợi nhuận, giảm chi phí đầu tư và chủ động hơn trong
sản xuất”.
Mặt khác Công ty Cổ phần nông trại sinh thái Ecofarm cũng thực
hiện theo chủ trương lãnh đạo của tỉnh, địa phương, cụ thể là xây dựng mô hình liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà
nông, nhà doanh nghiệp) gắn với tiêu thụ sản phẩm, trong đó, doanh nghiệp và
nông dân tạo nên chuỗi sản xuất – tiêu thụ khép kính để nâng cao hiệu quả kinh
tế trong sản xuất, mà hơn hết là đem lại lợi ích cho người nông dân. Ông Sơn cho biết thêm: “Với dự án này, chúng tôi rất
cần sự hỗ trợ của chính quyền và ngành nông nghiệp địa với những chủ
trương, chính sách, cho công ty và Hợp tác xã. Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần
nông trại sinh thái Ecofarm sẽ đảm nhiệm toàn bộ chuỗi cung ứng, đóng vai
trò vừa là nhà bao tiêu
các sản phẩm nông sản của nông dân thông qua các hợp đồng nông nghiệp cụ thể đồng
thời còn là nhà cung
cấp các máy móc, thiết bị, công nghệ, quy trình kỹ thuật,… cho các Hợp tác xã
nông nghiệp. Hợp tác xã nông nghiệp sẽ là cầu nối giữa doanh nghiệp
Ecofarm và nông dân khi thay mặt doanh nghiệp cung cấp phân bón, cây giống, hạt
giống, các máy móc thiết bị nông nghiệp cho nông dân và người nông dân sẽ là
nhà cung cấp nông sản cho doanh nghiệp thông qua hợp tác xã nhằm ổn định thị
trường. Với quy trình này, người dân sẽ an
tâm sản xuất, chi phí đầu tư ban đầu thấp, tăng lợi nhuận. Có vậy mới tạo sản phẩm chất lượng an toàn
và có đầu ra ổn định. Đây là yếu quan trọng quyết
định sự thành công của dự án và thúc đẩy nông nghiệp huyện Thanh Bình phát
triển nhanh chóng”.
Có thể thấy rằng, tuy dự án chỉ đang trong giai đoạn hoàn
thiện, nhưng Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty Cổ phần
sinh thái Ecofam Đồng tháp sẽ mở ra một con đường mới, mang lại hiệu quả kinh
tế rất lớn cho người nông dân tham gia vào mô hình này. Điều này chứng tỏ rằng,
phát triển nền sản xuất nông nghiệp theo mô hình ứng dụng công nghệ cao là
hướng đi đúng đắn, để ngành nông nghiệp của huyện Thanh Bình nói riêng và cả
tỉnh nói chung sẽ ngày càng phát triển bền vững…
|
|