|

các tác giả nhận giải Mừng - xúc động. Đa phần hội viên ở xa thì về trước
một hai ngày. Nhà báo Quang Ngọc - Trước công tác ở Đài truyền hình Đồng Tháp, hội
viên văn học, giờ “lưu lạc” ra tận miệt miền Đông trồng cao su; Lan Huệ ở tận
xứ cao nguyên Đắc Nông; Rồi nhà thơ Trần Quốc Toàn, Thu Nguyệt, Hoàng Anh, nhà
báo Dương Thủy… tới tối sẫm mới về tới, có rủ thêm cả nhà thơ Nguyễn Bính Hồng
Cầu (con nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Bính). Sau khi ăn vội miếng cơm, gom lại tiệm
cà phê Bốn Mùa uống nước, ăn chè kể chuyện xưa. Cứ giành nhau mà nói hết chuyện
này đến chuyện khác.
Cười và cười!
Chị Lan Huệ, nguyên Chánh Văn phòng ngày mới thành
lập Hội nói Trần Thị Hoàng Anh ngày trước lúc nào cũng ra vẻ là y tế cơ quan
(mà nguyên gốc nhà thơ này là y sĩ, bỏ nghề theo nghiệp văn chương thật!) tới
giờ nấu ăn hay “chắp tay sau đít” cứ đi lượn tới lượn lui mấy nhà của anh em
trong khu tập thể “hướng dẫn” rửa rau: Rửa sơ sơ thôi, không được rửa nhiều sợ
mất hết vitamin! Bây giờ đa phần là rau phun thuốc, rửa kiểu này có mà đi gặp
“Diêm Vương” sớm! Thu Nguyệt thì giành kể: Trong một chuyến đi sáng tác mùa
nước nổi, không may chìm ghe, đồ đạc trôi lều phều, anh em vội bơi vô bờ. Mọi
người nghĩ dân miền Tây ai mà không biết lội nên khi Hoàng Anh chìm nghỉm cố
dưa hai tay kêu: cứu, cứu…. Các nhà thơ, nhà văn mình lại nghĩ em nhà thơ “làm
bộ” nên bỏ mặc. Anh Quốc Thạnh nhà ta lội trở ra tranh thủ vớt mấy can rượu còn
nói: Thôi tự lo, anh sợ trôi mất mấy can này, không có rượu uống thì “chết” còn
sướng hơn!… Sau thấy Hoàng Anh chìm nghỉm ai nấy vội nhào ra lôi vào thì cô
nàng cũng bị uống một bụng nước. May mà không sao nhưng em tức quá không thèm
nói chuyện với các anh cả ngày….
Lại nhắc kỉ niệm với nhà thơ Nguyễn Chơn Thuần, đúng
là văn nghệ sĩ “chính hiệu”! Hồi ấy lương thấp, đầu tháng, như một cái lệ, nhà
thơ rủ bạn bè ăn nhậu xả láng, ít bữa gần hết cả tháng lương. Nửa tháng sau nhà
thơ này chỉ toàn ăn …. chuối chưng, chuối nướng bởi nghe lời “y tế cơ quan”
Hoàng Anh “phán”: một ngày anh cứ ăn 3 trái chuối xiêm là… đủ chất, không sợ
chết! Thật ngạc nhiên, Chơn Thuần nhà ta cứ cuối tháng là “chuối thay cơm”
không biết ngán là gì!
Còn nhà thơ Thu Nguyệt sau đợt học ở trường viết văn
Nguyễn Du - Hà Nội “độc chiêu” hơn, “phổ biến” anh em trong cơ quan chỉ lặt
chút cuống rau muống ở gốc rồi để nguyên cọng dài thoòng mà luộc, chứ cứ lặt
từng khúc từng khúc như cái dân trong mình thì “bay” mất hết vitamin trong
rau….
Chưa hết, mọi người còn tranh nhau kể cái chuyện đi
vệ sinh. Ấy là khi Hội ở chung với một cơ quan của tỉnh. Chỉ có một cái cầu cá
tra hơn hai chục con người. Sáng ra ai nấy “tranh nhau” đi cầu. Có một cái bảng
dựng sẵn trước cầu. Khi có người ở bên trong thì giơ cái bảng “Có người” ra
ngoài, qui định “bất thành văn” không ai dám bước vô trong. Có lúc chọc các anh.
Mấy chị nhà văn, nhà thơ quay cái bảng “Có người” ra ngoài, có anh “mắc quá”
chạy lên chạy xuống cứ thấy bảng “Có người”. Lâu, chịu không nổi, anh nghi nghi
xộc vào thấy không có ai, “chửi” quá trời mấy con nhỏ văn nghệ sĩ lí lắc này…
Còn chú Tám Hoa thì “siêu đẳng” hơn, tỏ rõ “uy quyền”
lãnh đạo. Mới đầu anh lái xe không biết “tài nghệ” của chú. Ngồi trên xe mà ông
cứ nhấp nha nhấp nhổm nhắc chừng bác tài đoạn này chạy với vận tốc bao nhiêu,
đoạn kia bao nhiêu. Trong một chuyến đi công tác, chẳng biết tài xế chạy xe
kiểu gì, chú kêu anh kia dừng lại mở cửa xe. Bác tài vừa xuống xe, chú Tám đóng
cái rầm xe lại và chạy vút đi bỏ mặc tài xế “mếu máo” bên đường tự về. Chạy về
tới cơ quan, bác Tám phán một câu: bỏ cái tật “đánh võng”!
Bao
nhiêu là chuyện xưa, nhắc tới cả đám cười đau cả bụng, chẳng bõ ngồi xe bầm dập
cả mấy trăm cây số trở về. Kỷ niệm ba mươi năm ngày thành lập và lễ tổng kết,
phát giải văn học nghệ thuật Nguyễn Quang Diêu của tỉnh 5 năm mới tổ chức một
lần, niềm vui nối tiếp niềm vui. Ba mươi năm ấy biết bao nhiêu tình. Nếu là độ
tuổi của một đời người thì cũng “đủ chín” để thành những chàng trai, cô gái đầy
sức sống mãnh liệt.
Dù
không ai nói ra nhưng nhìn ánh mắt, nụ cười, gương mặt của mọi người, ai nấy
nhủ thầm, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp là bệ phóng vững chãi cho
các văn nghệ sĩ Đồng Tháp có chỗ đứng vững chắc ngày hôm nay.
|
|