|

Mùa hoa - Trương Ngọc Nhã Uyên
Trong giao tiếp bằng ngôn ngữ nói chung, trong báo chí, văn chương và
các phương tiện thông tin đại chúng nói riêng, thành ngữ này được diễn đạt một
cách khác, sát thực và cụ thể hơn: nhầm
từ, hư nghĩa.
Có không ít từ bị dùng nhầm một cách phổ biến, nếu phân tích thì thấy
nghĩa gốc hoàn toàn khác với nghĩa mặc nhận, nhất là với bộ phận từ Hán Việt,
chiếm tỉ lệ không nhỏ trong từ vựng tiếng Việt hiện đại (có người khẳng định
chiếm tới 60 - 70%; có người lại bảo chỉ khoảng 30 - 40%, nhưng đều chỉ là
những con số ước đoán, vì chưa có một thống kê cụ thể nào).
Xin nêu vài ví dụ:
Một cặp từ Hán Việt xuất hiện với tần suất
cao trong giao tiếp, trên các phương tiện thông tin đại chúng mỗi ngày, đó là: tích cực - tiêu cực, lâu nay, đã được
dùng không chuẩn và hiểu lệch ngữ nghĩa của nó. Tích cực (積極 - tích:
chồng chất, nhiều - cực: rất), tiêu cực (消極 - tiêu:
mất; tan; hết - cực: rất). Như vậy, tích cực - tiêu cực là một cặp từ đối lập nhằm chỉ mức độ, cường độ
cao - thấp, lớn - nhỏ, ít - nhiều…
của sự vật, hiện tượng, chứ không hàm nghĩa tốt
- xấu, hay - dở. Hiện nay, như một hiển nhiên, việc gì tốt thì gọi là tích cực và ngược lại. Dùng từ và xác định
ngữ nghĩa như vậy là không đúng, không chuẩn. Trong thực tế, nhiều hành động,
cử chỉ tích cực thì lại xấu (tìm mọi thủ đoạn đột nhập ngân hàng để cướp tiền).
Ngược lại, những cách làm, cách nghĩ tiêu cực lại là tốt (kẻ sĩ bất hợp tác với
giặc xâm lược). Thấy rõ điều này để kiên quyết bỏ thói sính dùng từ Hán Việt
một cách lấy được, thay vì dùng từ thuần Việt có sẵn, gần gũi, dễ hiểu hơn.
Một cặp từ khác: hôn phu (婚夫) - hôn thê (婚妻) - hôn: cưới - phu: chồng - thê: vợ. Như vậy, trong hai từ phu và thê đã hàm nghĩa từ hôn
(cưới) rồi, nên dùng hôn phu để gọi
người chồng - hôn thê để gọi người vợ
là lặp nghĩa không cần thiết (ở đây chỉ là một từ định danh bình thường, không
cần yếu tố nhấn mạnh cường độ ngữ nghĩa). Chỉ có thể dùng hôn lễ (lễ cưới); hôn phối (hai người cùng cưới); hôn nhân (người
cưới nhau)… Nhiều đám cưới, có MC còn dùng lặp đến hai lần, lúc nào cũng
cứ: vị hôn phu hay vị hôn thê. Trang trọng ở đâu chưa thấy, chỉ
thấy dài dòng, rối rắm. Sao không dùng cặp từ thuần Việt: chồng - vợ; vợ -
chồng mà gọi tên cho trong sáng, giản tiện?
Với từ thuần Việt, tình trạng này cũng không
hiếm. Xin nêu ví dụ:
Một
động từ (hay đúng hơn là một cụm động từ) thuần Việt: lái xe (chỉ hoạt động điều khiển xe chạy trên đường) đã được dùng
để gọi người lái xe, tức đã biến động từ thành danh từ. Có câu nói đùa đáng suy
ngẫm: Hôm qua, lái xe đang lái xe trên
đường, gặp một lái xe khác lái xe cùng chiều, cả hai lái xe lái xe về một hướng.
Nếu để gọi một người làm nghề lái xe, nhất khoát phải gọi họ là người lái xe. Ở Nam Bộ, dùng từ tài xế (được cho là phiên từ tiếng Quảng
Đông) là rất hay, rất chuẩn. Chuyển hóa từ loại là một hiện tượng phổ biến
trong ngôn ngữ và từ vựng. Nhưng những trường hợp có từ sẵn để dùng, nên chăng,
cần dùng và dùng đúng.
Có không ít cặp từ thuần Việt được sử dụng không
chuẩn hàng ngày như: chia sẻ - chia xẻ; chấp bút - chắp bút; chỉn chu - chỉnh
chu… Khi nào thì dùng chia sẻ (san ra
từng phần từ một chỉnh thể), khi nào thì dùng chia xẻ (cắt chia tách rời vật gì đó), không phải ai và lúc nào
cũng có thể phân định và dùng đúng. Nếu cùng nhường cơm sẻ áo mà dùng từ chia
xẻ thì hoàn toàn sai nghĩa. Còn cưa đứt một đoạn cây mà gọi là chia sẻ thì quá ngô nghê. Viết một văn
bản nào đó thì phải dùng từ chấp bút
(chấp: cầm lấy - chấp bút: cầm bút để viết). Còn chắp
bút chỉ có nghĩa là ngòi bút bị gãy, phải chắp nối lại, mà trong thực tế,
điều này ít khi xảy ra. Có nhiều người thường lấy từ chỉnh trong hoàn chỉnh và
dùng chỉnh chu, thay vì phải là chỉn chu (thận trọng, chu đáo, đầy đủ)
mới chuẩn…
Tôi là một người thích âm nhạc và thường
nghe biểu diễn ca khúc trên các phương tiên thông tin đại chúng. Lại là một
người từng giảng dạy về ngôn ngữ tiếng Việt và hiện cũng đang hành nghề viết
văn, nên mỗi lần nghe các ca sĩ hát sai ca từ trong bài hát là thấy bức xúc
khôn tả, nhất là với các ca sĩ thành danh. Lấy một ví dụ tiêu biểu, đó là ca
khúc: Thơ tình cuối mùa thu. Ngay tên
bài hát mà nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu lấy nguyên tên bài thơ của Xuân Quỳnh là Thơ tình… thì rất nhiều người khi giới
thiệu cứ đọc trại sang Thư tình… Thơ và thư ở đây là một trời một vực về nghĩa! Trong ca khúc này, có một
từ mà hầu hết ca sĩ đều hát sai, đó là vào
trong mùa thu vào hoa cúc biến
thành vàng (mùa thu vàng hoa cúc). Vào
và vàng na ná nhau vậy mà nghĩa lý
thì khác xa thăm thẳm, hay - dở cũng cách vời vạn dặm. Chỉ phân tích một chút
để thấy điều đó: mùa thu vào hoa cúc,
nghĩa là tất cả càn khôn đã bị thu hết, trốn hết vào trong cái màu vàng của hoa
cúc, vậy mà vẫn còn lại giữa vũ trụ hai người: anh và em. Tình yêu ở đây bất
diệt, chót vót, vĩnh hằng, vượt khỏi những quy luật hiện hữu của tạo hóa. Còn mùa thu vàng hoa cúc thì chỉ là hình
ảnh làm nền một cách nhàm mòn, có đẹp đấy, nhưng chỉ là cái đẹp nhạt nhòa,
không ấn tượng.
Nhầm từ, hư nghĩa, có khi còn dẫn đến những hậu quả tai hại. Nhiều giai thoại lưu truyền
về điều này, xin không nhắc lại. Ở bài viết nhỏ này, chỉ mong mọi người luôn có
ý thức dùng từ ngữ một cách chuẩn xác, qua đó, mang lại hiệu quả giao tiếp cao,
góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
THAI SẮC
|
|