|
Tìm hỏi
địa danh Gáo Đôi mấy người trẻ không biết. Tôi lại hỏi những người già, những
người sinh ra và lớn lên tại đây thì được trả lời: Đa phần đều là dân tứ xứ về
đây sau 1975, thấy làm ăn được rồi định cư luôn. Người biết dẫn tôi đến cây Gáo
Đôi, một thời là chứng tích. Cây Gáo không còn, cả dấu vết nhỏ cũng không thấy,
chỉ thấy màu xanh của lúa, của cây, những ngôi nhà san sát thật sung túc. Đứng
tại vị trí Gáo Đôi, buông tầm mắt xung quanh tôi thấy bát ngát lúa, kênh rạch
dẫn nước ngọt vào “tắm mát” cho cánh đồng một thời nặng phèn chua. Điện, đường
giao thông, trường học, nhà cửa của dân khang trang, không còn dấu tích của
vùng kháng chiến, ngay cả những đám tràm lớn nhất trong khu vực cũng không còn.
Đưa mắt hướng về Cả Trấp, Tân Thành cũng mênh mông biển lúa, nhà cửa san sát.v.v.
Tôi thấy làng quê mình ấm hơn và cảm nhận những người đang sống không hề quên
ơn chị Gấm và những đồng chí đạ chiến đấu đổ xương máu trên mảnh đất này năm
xưa.
Mỗi năm
họp mặt truyền thống Ban Tuyên huấn Khu 8, các chú, các anh chị kể lại chuyện
chiến khu, chuyện chiến trường, chuyện của đơn vị mình hoạt động thời chiến
tranh ác liệt, nhất là các đồng chí ở nhà in. Kể lại trận đánh địch càn, thọc
sâu vào căn cứ ta ở Đồng Tháp Mười, bằng chiến thuật hạm đội nhỏ trên sông, kết
hợp với trực thăng vận. Trận càn này của địch hòng tiêu diệt căn cứ cách mạng
và “lùa” đồng bào ra khỏi vùng kháng chiến. Trận đánh quyết tử, không cân sức của
bộ phận Nhà in Lý Tự Trọng vào ngày 05/10/1966 mùa nước nổi cao nhất của Đồng
Tháp Mười tại kênh Gáo Đôi thuộc xã Tân Công Sính, huyện Hồng Ngự (nay thuộc
huyện Tam Nông). Tháng 10, năm 1966 nước lũ cao nhất trong các năm đổ về Đồng
Tháp Mười, nước lên nhanh lại ngập sâu, vừa kê nhà lên khỏi mặt nước được vài
tiếng đồng hồ thì nước lại ngập tiếp, anh em mình trở tay không kịp. Các đơn vị
của Khu rút dần về Tân Lèo (biên giới Việt Nam - Campuchia), Tà-Nu (đất bạn)
hay về căn cứ Cây Vừng thuộc Hồng Ngự. Nhà in cũng chuẩn bị rút, nhưng do
phương tiện in ấn, máy móc cồng kềnh nên phải có thời gian sắp xếp gọn rồi mới
đi được. Ngày 04/10/1966 địch cho máy bay L19 do thám và kêu gọi đồng bào ta ra
vùng ngoài, vùng kiểm soát của giặc. Anh em nhận định, địch sẽ đánh vào căn cứ
mình, thủ trưởng đơn vị nhà in Tư Tới cho sơ tán, phân mỏng lực lượng ra nhiều
chốt. Chốt của chị Trần Thị Gấm có 7 đồng chí, được trang bị súng, lựu đạn,
chịu trách nhiệm ở kênh Gáo Đôi. Đúng như dự định, địch lợi dụng nước lũ ngập
mênh mông, mở trận càn lớn thọc sâu đánh phá căn cứ ở Đồng Tháp Mười, hòng tiêu
diệt lực lượng ta và gây hoang mang cho nhân dân. Chúng quần đảo đánh phá từ
sáng cho tới chiều rồi rút, ngày đầu chưa chạm trán với quân ta.
Sang ngày
05/10/1966, địch mở trận càn thứ hai huy động lực lượng nhiều thêm, đánh thọc
sâu hơn, toán địch đi đầu chạm trán với chốt tiền tiêu của Trần Thị Gấm. Thế
của mình lúc nầy thật bất lợi, không cân sức, ta ở trên xuồng với một ngôi nhà
ngập nước, chỉ còn lại nóc nhà như chiếc nón lá úp xuống, nhưng kẻ địch đặt ta
trong tư thế phải nổ súng. Loạt đạn đầu làm chìm và hư hỏng một vài tàu, chết
một số tên địch. Chúng hoảng loạn, nháo nhào, sau một lúc hồi, địch phát hiện
ta chỉ có một cụm chiến đấu nên tập trung hỏa lực tiêu diệt chốt, nhưng không
tiêu diệt được. Bảy đồng chí sau nhiều giờ chiến đấu ngoan cường, quyết liệt
gây cho địch nhiều thiệt hại. Trận đánh kéo dài, không ai chi viện, cuối cùng
anh em mình hết đạn và 06 đồng chí hy sinh, đó là: Mười Dũng; Ngươn; Hiến; Sáu Bùi; Trung Quền và Đinh Văn
Mênh. Sau đó địch phát hiện trong nhà có một người nữ, chúng hô hào “Bắt sống
con Việt cộng “cái” tụi bây ơi”. Chúng cho hai thuyền bay áp sát vách nhà kêu
gọi chị đầu hàng. Còn lại duy nhất mấy trái lựu đạn gài, loại cổ đỏ, thà hy
sinh, quyết không để bị địch bắt. Chị chờ bọn chúng áp sát thuyền vào vách nhà
rồi nhanh như chớp chị rút chốt cưa đôi thùng lựu đạn với bọn địch. Tiếng nổ
long trời giữa đồng nước, làm hư hỏng nặng hai thuyền bay, địch chết và bị thương
hơn một tiểu đội. Trận đánh cuối cùng trên đồng nước của chị đã chặn đứng cuộc
hành quân thọc sâu vào Đồng Tháp Mười của địch. Chúng kinh hồn, bạt vía cuống
cuồng rút quân ngay không kịp ngoái đầu nhìn lại.
Sau
trận đánh chú Tư Tới cùng em Phết bơi xuồng về tìm anh em, đến nơi thôn xóm
vắng lặng, không thấy một bóng người. Tới chốt anh em đóng quân thấy vắng ngắt,
ngôi nhà anh em ở đạn bắn xơ xác, nhìn chung quanh chỉ có nước và nước mênh
mông. Chú Tư Tới bơi xuồng đến góc Gáo Đôi nhìn xuống thấy xác các đồng chí
mình nằm dưới đó… Chú Tư, em Phết lần lược đưa xác các chú, anh, chị về nền bót
Tân Thành - Cả Cái, cách đó 4-5 cây số và Gò Gòn (tỉnh Kiến Tường, nay Long An)
an nghỉ. Sau 30 tháng 4 năm 1975, đơn vị nhà in cùng với sở Thương binh - Xã
hội tỉnh Đồng Tháp đưa hài cốt các đồng chí về nghĩa trang tỉnh Đồng Tháp chôn
cất.
Sự dũng
cảm hy sinh của chị Trần Thị Gấm là bản anh hùng ca bất tử, khích lệ động viên
mọi người học tập và noi gương chị. Anh em nhà in Lý Tự Trọng lấy ngày 5/10 làm
ngày giỗ chung, để nhớ ơn các đồng chí đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải
phóng dân tộc.
Với
thành tích đặc biệt xuất sắc của chị Trần Thị Gấm trong cuộc kháng chiến chống
Mỹ cứu nước, ngày 30-01-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định
số 164/QĐ-CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt
sĩ Trần Thị Gấm, công nhân nhà in Lý Tự Trọng, thuộc Ban Tuyên huấn Khu 8,
người con của quê hương Ấp Bắc anh hùng đã làm rạng danh ngành In kháng chiến
và ngành Tuyên huấn Nam bộ.
Chúng tôi công tác cùng Ban Tuyên huấn với chị
Trần Thị Gấm, luôn tự hào đơn vị Ban Tuyên huấn Khu 8 có những đồng chí anh
dũng, kiên cường, dũng cảm chiến đấu hy sinh đến viên đạn không còn trên nòng
súng, đặc biệt gương chiến đấu đến giọt máu cuối cùng của người đảng viên Trần
Thị Gấm.
Trở lại
nơi chị Gấm và các chú các anh, đã chiến đấu hy sinh cách đây 52 năm (05-10-1966/2018)
không còn cây Gáo Đôi, con kênh Tân Công Sính cũng được nới rộng hơn, tuyến dân
cư được đắp lên bờ kênh cũ, tạo nên một làng xóm tươi mới, nhà cửa sầm uất đông
vui. Tràm, năn, cây gáo trơ lá…ngày nào che chở những đoàn quân, giờ không còn
nữa, thay vào đó đồng lúa xanh bát ngát, mênh mông. Tôi nhìn mà chân không muốn
bước, thấy ấm lòng những người đã chiến đấu đổ xương máu cho mảnh đất này giờ
được kết trái đơm hoa.
Đ.H.T
|
|