|
Trọng Quí
Ở Đồng Tháp, nói đến Bác Tám Bé -Trần Anh Điền (nguyên Uỷ viên Trung ương
Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đống Tháp từ hồi 1960 đến 1986) chắc không mấy người không
nghe đến tên.Có thể nói một cách ngắn gọn: Bác tám Bé là một nhân vật sử tiêu
biểu của vùng đất Đồng Tháp Mười với nhân cách vô cùng giản dị, thanh cao, hết
lòng hết lòng phuc vụ nhân dân và sự đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của
nhân dân Đồng tháp nói riêng, của cả nước nói chung. “…Đồng chí Trần Anh Điền đã
ghi vào lịch sử của tỉnh nhà những dấu son rực rỡ. Trong muôn trùng khó khăn,
gian khổ, ác liệt, nhứt là cả thời khắc cách mạng rơi vào tình thế hiểm nghèo của
cuộc chiến tranh, ông luôn tỏ rõ bản lĩnh nhà lãnh đạo sát thưc tiễn, lăn lộn bám
sát phong trào, sống chết cùng phong trào, nắm chắc lực lượng võ trang, đối kháng
quyết liệt với mọi kẻ thù hung hãn và xảo quyệt, trụ vững nơi “đầu sóng ngọn gió”
hiểm nguy để trực quan sinh động diễn biến thời cuộc đề ra quyết sách và tham
gia quyết sách táo bạo, sáng tạo làm biến thiên thời thế…” (trích trong bài viết”
Trần Anh Điền một nhân vật lịch sử tiêu biểu của tỉnh nhà” của Huỳnh Minh Đoàn-
nguyên UV Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp).
Cách đây gần hai năm, quyển hồi ký “Đổi đời” của Bác Tám đã được xuất bản,
giới thiệu đến đông đảo bạn đọc, được trích đọc trên Đài Phát thanh của tỉnh,
sau đó còn thấy xuất hiện trên trang sách nói. Quyển sách được trình bày, in ấn
một cách trang trọng, được bác Sáu Hậu (nguyên là UV Bộ Chính Trị- Trưởng ban Tổ
chức TW) trong lời giới thiệu đánh giá là có ý nghĩa về mặt lịch sử và nhân văn,
góp phần giáo dục truyền thống cho Đảng bộ và các thế hệ mai sau. Quyển sách
trong quá trình chuẩn bị thực hiện được đặt ra với nhiều kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh
và nhiều đồng chí cán bộ lão thành cách mạng.
Nhưng tự với chính mình- người chấp bút thể hiện quyển hồi ký cho Bác Tám,
tôi thực sự cảm thấy còn ái ngại lắm. Bởi so với sự kỳ vọng của lãnh đạo Tỉnh
uỷ, của các đồng chí lão thành cách mạng được mời làm cố vấn cho công việc này
thì nội dung của phần tôi cố gắng thể hiện chỉ mới đạt ở mức độ khiêm tốn. Nói
rõ hơn là: tôi tự cảm thấy phần thể hiện của mình chưa thật sự hoàn chỉnh, chưa
lột tả được hết những phẩm chất tốt đẹp
vốn có của nhân vật, chưa làm bật lên được vai trò của cá nhân đồng chí Trần Anh
Điền trong những thời điểm lịch sử quan trọng…
Hoàn toàn không có ý biện hộ cho mình, nhưng tôi xin được kể ra đây một
vài mẩu chuyện liên quan trong quá trình làm việc có thể xem như là một số lý
do cả khách quan lẫn chủ quan có ảnh hưởng đến kết quả như kể trên:
Giữa năm 2014, theo gợi ý của Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ, tôi chính thức
nhận trách nhiệm làm người thể hiện phần hồi ký về cuộc đời hoạt động cách mạng
cho Bác Tám. Đồng chí Lê Minh Trung (lúc đó đương là Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh
uỷ) là người trực tiếp trao quyết định phân công và giao nhiệm vụ cho tôi. Chắc
anh kỳ vọng vào tôi nhiều lắm. Anh chuẩn bị sẵn cho tôi khá nhiều tài liệu lịch
sử mà anh nói là sẽ cần thiết dùng đến, và còn cho tôi mượn nguyên một bộ hồi ký
ba tập dầy cộp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (do nhà văn Hữu Mai thể hiện) để
tham khảo. Hôm đó còn có chú Mười Long (nguyên là PBT TT Tỉnh uỷ, đồng thời cũng
là một tác giả đã có nhiều tác phẩm văn học, báo chí viết về đề tài cách mạng) chú
được giới thiệu là người sẽ cố vấn chính cho công việc này. Chú Mười đặt ra cho
tôi một số yêu cầu: quyển sách phải được thể hiện bằng bút pháp văn học để dễ hấp
dẫn người đọc, phải tái hiện được cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của
nhân vật Bác Tám Bé từ lúc còn ấu thơ gắn với hoàn cảnh gia đình, làng xóm, đến
chuyện học hành, giác ngộ lý tưởng rồi tham gia hoạt động cách mạng trải qua khó
khăn, gian khổ ra sao… Tiếp đó chú lưu ý: cần thể hiện cho được vai trò cá nhân
lãnh đạo của đồng chí Trần Anh Điền đối với một số sự kiện lịch sử quan trọng của
tỉnh như: việc xây dựng lực lượng võ trang tiến tới phong trào Đồng khởi cuối năm
1959 và đầu năm 1960; kiên trì bám trụ để giữ vững phong trào cách mạng…
Nói thiệt, lúc đó dù có hơi lo lắng vì yêu cầu đặt ra khá nặng nề, lại
thêm về chủ quan, tôi cũng biết có cái khó nữa là giữa Bác Tám và tôi có một khoảng
cách khá xa về tuổi tác lẫn vị trí, vai trò công tác (hồi bác Tám bắt đầu giữ
chức Bí thư Tỉnh uỷ, tôi còn chưa được sinh ra), nhưng tôi vẫn thấy tự tin mình
sẽ làm được, bởi trước đây tôi là người khá chịu khó đọc nhiều sách viết về chiến
tranh, tôi cũng có thời gian sống gần 10 năm ở vùng sâu Đồng Tháp Mười hồi những
năm đầu thập niên 80 có không gian, hoàn cảnh địa lý, đời sống sinh hoạt, cách ăn
nói của người dân khá gần với thời chiến tranh, tôi cũng không ít lần tham gia
viết hồi ký cho một số chú, bác hoạt động cách mạng gắn với một số sự kiện lớn
như: tập kết chuyển quân ra Bắc (1954), trận đánh Giồng Thị Đam- Gò Quản Cung
(tháng 9-1959), sự kiện giải phóng xã Thanh Mỹ (tháng 12-1959) hay như sự kiện đưa
quân về giải phóng Sa Đéc (tháng 4-1975)…được bè bạn đồng nghiệp đánh giá tốt, trong
đó có tác phẩm từng đạt giải thưởng cuộc thi viết về chiến tranh do Hội Cựu chiến
binh TP. HCM tổ chức. Với tâm thế như vậy, tôi đã sẵng sàng sang nhà gặp bác Tám.
Nhưng rồi, cái phần lo lắng trong tôi nó bắt đầu trổi dậy, trong cái ngày
đầu tiên tôi có dịp trò chuyện với Bác. Trước đây, nghe nhiều người nói: Bác Tám
là một người giản dị, dễ gần. Thì đúng là như vậy. Bác tiếp tôi với thái độ rất
thân tình (tôi biết hồi này Bác đã 93 tuổi
rồi, đi đứng rất khó nhọc, vậy mà bác vẫn tự tay xách bình thuỷ pha trà mời tôi
uống, nói chuyện rất điềm đạm). Và cùng với sự cởi mở, thân tình ấy, tôi nhận
ra Bác Tám còn là một người rất đỗi khiêm tốn, không thích được người khác đề
cao mình… Bữa ấy, sau mấy tách trà và thăm hỏi xã giao, tôi trình bày với Bác là
muốn được nghe Bác kể chuyện về mình để viết hồi ký. Bác có vẻ trầm ngâm lắm, nói
như tâm sự: Bác đã biết cháu đến đây để làm gì rồi, các đồng chí ở Tỉnh uỷ có
trao đổi với bác nhiều lần. Nhưng nói thiệt lòng, bác không có muốn chuyện viết
hồi ký này đâu! (bác nói rõ lý do vì sao như vậy, tôi có viết trong đoạn Đôi điều thay cho lời ngỏ in ở phần đầu
cuốn sách. Đại khái có ý là: ở địa phương, nhiều người có công lớn hơn bác mà
không thấy viết, trong khi bác chỉ làm được ít việc nhờ kế thừa những người đi
trước…nhưng chuyện có liên quan đến vấn đề lịch sử, nên bác mới đồng ý). Kế, bác
còn kể cho tôi nghe câu chuyện hồi hăm mấy năm về trước, có anh nhà văn Phi
Long đã từng đến gặp và viết một bài khá dài về bác (tôi nghĩ anh này viết dạng
bài ký chân dung). Bài viết này bị bác gạt bỏ ngay. Tôi thắc mắc: Chắc bài viết
không hay? Bác khịt mũi, phán một câu gọn hơ: “Anh ta hư cấu, vẽ vời để đề cao
bác lên dữ lắm!”.
Từ câu chuyện này, về sau, bác còn dặn đi dặn lại tôi mấy lần (thậm chí
bác còn viết riêng cho tôi một lá thư trong lúc tôi vì bận việc một thời gian hơi
lâu không sang gặp bác): Cháu viết sao thì viết nhưng phải cho đúng sự thật, không
được đưa cái tôi này, cái tôi nọ vô nhiều, nhứt là mấy chỗ ta giành thắng lợi
hay lập công… Bác bộc bạch: “Nhiều đồng chí đồng đội đã đổ xương, đổ máu cho sự
nghiệp cách mạng chung này, lẽ ra phải quan tâm đến họ nhiều hơn. Mình may mắn
còn sống, mà giờ ngồi kể công lao này nọ, thấy nó không hay”. Lại thêm, Anh Lê
Minh Trung còn kể cho tôi nghe tâm sự của bác: “Các đồng chí nếu cho in thành sách
thì nhớ biên tập cho kỹ, bỏ bớt mấy chỗ có cái tôi này, tôi nọ, bởi không khéo
vô tình mình trở thành người đi cướp công của đồng đội!”.
Cho nên, trong phần hồi ký của Bác, ở những đoạn đầu khi kể về tuổi thơ,
chuyện học hành, tham gia cách mạng, bị bắt bớ tù đày hay chuyện cưới vợ sinh
con…bác kể rất tự nhiên, nhiều chi tiết giàu cảm xúc. Tôi thể hiện cũng khá dễ
và nhập tâm được (chỗ này tôi hơi lấy làm lạ: có những chuyện xảy ra hồi bảy tám
chục năm trước mà bác nhớ rất rõ, thậm chí nhớ cả tên họ những đồng đội đồng chí
cùng tham gia cách mạng với mình). Nhưng đến giai đoạn từ cuối năm 1954 (lúc bác
được phân công giữ chức vụ Bí thư Huyện uỷ cao Lãnh) trở về sau này là Phó Bí
thư rồi Bí thư Tỉnh uỷ, Uỷ viên thượng vụ Khu uỷ Khu uỷ, thì ngoài một số chi
tiết, tình huống gắn với đồng chí, đồng đội, bác cũng kể vậy, còn những chuyện
liên quan đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của bác đối với những sự kiện lớn thì bác
nói rất ít, hoặc chỉ nói đến tình hình chung. Bác nói: “Việc chỉ đạo cho phong
trào cách mạng là do tập thể trong Tỉnh uỷ bàn bạc, thảo luận và nhất trí. Tôi
chỉ là người chủ trì các cuộc họp, có ý kiến nào hay thì mình ủng hộ thôi…”. Thậm
chí, nghe tôi đặt câu hỏi nhiều, mấy bữa sau bác soạn sẵn ở nhà và đưa cho tôi
mượn về photo một chồng tài liệu cá nhân của bác hồi bác tham gia biên soạn công
trình Lịch sử Đảng bộ và Lịch sử công tác Binh vận của Tỉnh qua các thới kỳ, rồi
nói: “Có gì cháu tham khảo trong đó. Bác giờ cái nhớ thì ít, cái quên thì nhiều”.
Thì đành vậy chớ sao, tôi tự nhủ và nghĩ đến phương án tham khảo thêm tư liệu
thông qua một số người từng có thời gian chiến đấu, làm việc với bác.
Và trong tình cảnh như vậy, cái lo của tôi càng lớn hơn. Khoảng nửa năm
sau ngày tôi nhận nhiệm vụ, thỉnh thoảng BanTuyên Gíao Tỉnh uỷ điện thoại hỏi tôi
viết tới đâu? Tôi chỉ mới ghi chép, nghiền ngẫm lại những câu chuyện của bác kể
chớ có viết được bao nhiêu đâu (bởi, ban đầu tôi viết theo kiểu kết cấu trình tự
thời gian, nhưng thấy không hợp với cách kể chuyện của Bác Tám nên chuyển sang
viết theo kết cấu từng chủ đề nhỏ). Bấy giờ, nhớ tới mấy điều lưu ý của chú Mười
Long là phải tìm cách làm rõ vai trò của bác Tám trong việc xây dựng lực lượng,
tổ chức và chỉ đạo phong trào ba mũi giáp công tiến tới đồng khởi đầu năm 60 và
xây dựng căn cứ để bám trụ…, tôi tranh thủ hỏi han, khơi gợi để bác Tám nói thêm
về những suy nghĩ, trăn trở trong cách tổ chức chỉ đạo phong trào hoặc những câu
chuyện diễn biến trong nội bộ lãnh đạo của Tỉnh uỷ thời bấy giờ để phăng theo.
Nhưng bác Tám tinh ý lắm. Hình như bác nhận ra ý định của tôi muốn đề cao bác,
bác một mực khẳng định: “Công lao tái lập lực lượng võ trang ở Sa Đéc và Kiến
Phong là do anh Hai Phối chủ ý và chỉ đạo. Anh hai Phối là cha đẻ của phong trào
kết hợp ba mũi giáp công (Võ trang- Chánh trị- Binh vận), tôi chỉ là người kế
thừa và làm được ít việc!”. Sau đó bác còn
nhắc lại như vậy vài lần và có ý dẫn giải, làm rõ chuỗi sự việc này một cách có
hệ thống, có đầu có đuôi. Dựa vào đây tôi đã viết hẳn thành một chương khá dài-
chương 8: Anh Hai Phối- Người cha đẻ của phong trào tái lập lực lượng võ trang
sa Đéc, Kiến phong và thế trận ba mũi giáp công.
Liên quan đến câu chuyện này tôi cũng có một kỷ niệm khác: khoảng giữa
năm 2015, để kịp theo kế hoạch phục vụ cho Đại hội của Tỉnh Đảng bộ, tôi kết thúc
phần thể hiện của mình, nộp bản thảo cho Ban Tuyên Gíao và nhờ anh em trong phòng
Lý luận Chính trị và Lịch sử Đảng chuyển đến Bác Tám xem. Chừng khoảng mười ngày
sau tôi sang gặp bác, hình như bác chỉ mới đọc chút ít trong đó, nhưng gặp tôi,
bác yêu cầu trước mấy việc: một là, đổi tên tựa sách từ “Một thời đi qua chiến
tranh” thành “Đổi đời”. Bác nói: Nhờ có cách mạng mà cuộc đời người dân mình được
thay đổi. Thứ hai, Ở chương 11, thấy cái tít tôi viết “Tôi được chọn làm người
kế thừa anh Hai Phối và những ngày chiến đấu trong vòng vây”, bác nói: “Bác đâu
có được chọn, chẳng qua lúc đó thiếu người nên tổ chức mới phân công vậy thôi.
Những chuyện của bác làm được chẳng qua là học hỏi từ anh Hai Phối!”. Tôi sửa lại:
“Tôi kế thừa và làm theo sự chỉ dẫn của anh Hai Phối”, thì bác mới chịu.
Chuyện về những lần tôi được gặp gỡ bác Tám vẫn còn, nhưng xin được dừng
lại ở đây để nhắc lại điều tôi đã tâm sự lúc nãy: Phần hồi ký của Bác Tám Bé-
Trần Anh Điền do tôi thể hiện có thể xem như chỉ mới là một bức phác thảo còn sơ
lược về chân dung, cuộc đời của một nhân vật lịch sử mà nhân cách và công lao đóng
góp cho sự nghiệp Cách mạng của ông xứng đáng được mọi người chúng ta ngưỡng mộ
và học tập.
Tôi nghĩ có lẽ lãnh đạo Tỉnh uỷ cũng đã cảm thấy như vậy, nên sau đó đã
cho tiến hành bổ sung thêm những bài viết của các cô chú là những người đã từng
có thời gian sống gần gũi, cùng chiến đấu hoặc cùng làm việc với bác Tám. Đây là
những bài cảm nhận hoặc kể về ký ức hết sức chân thật, giàu cảm xúc, giúp cho bạn
đọc hiểu thêm một cách đầy đủ và khách quan về đồng chí Trần Anh Điền- nhân vật
lịch sử tiêu biểu của tỉnh nhà.
T.Q
|
|